Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Journal of Cosmetic Dermatology, không có mối tương quan có ý nghĩa thống kê nào được tìm thấy giữa thang đánh giá tổn thương vẩy nến với thang đo chất lượng cuộc sống QoL (Quality of life), cho thấy cả mức độ nặng của bệnh và QoL nên được đánh giá để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến.
Nghiên cứu cắt ngang phân tích 51 bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến thể mảng mạn tính, cần điều trị toàn thân và được chuyển đến một phòng khám từ 2014 đến 2016.
Các nhà điều tra đã tính toán chỉ số PASI, diện tích bề mặt cơ thể (BSA) có tổn thương vẩy nến, chất lượng cuộc sống da liễu (DLQI,Dermatology Life Quality Index) và chỉ số gánh nặng bệnh tật của bệnh vẩy nến (PI,Psoriasis disability index).
Nhìn chung, tuổi trung bình của dân số bệnh nhân là 44,76 ± 11,14 tuổi, và thời gian mắc bệnh trung bình là 20,74 ± 7,94 năm. Trung bình tuổi khởi phát bệnh là 24,01 ± 10,75 tuổi.
Giá trị trung bình của PASI , BSA, DLQI và PDI lần lượt là 17,27 ± 7,49, 33,90 ± 13,87, 15,09 ± 7,48 và 23,58 ± 10,20.
Không có sự khác biệt đáng kể giữa các thang điểm của những bệnh nhân có hoặc không có tổn thương ở bàn tay, mặt, móng tay, chân và vùng sinh dục (khoảng P = 0,083-0,990). PASI tương quan với BSA trong thử nghiệm Spearman (P = .000) nhưng không tương quan với DLQI (P = .227) và PDI (P = .208). Không có mối tương quan giữa BSA với DLQI (P = .312) và PDI (P = .228), nhưng các nhà điều tra đã tìm thấy mối tương quan giữa DLQI và PDI (P = .000).
Hạn chế của nghiên cứu này bao gồm tính chất cắt ngang của nó cũng như chỉ gồm một số lượng nhỏ bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phát hiện này cho thấy “tầm quan trọng của việc sử dụng PASI, BSA và thang đo chất lượng cuộc sống cùng nhau trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh”.