Bớt sắc tố là những thay đổi màu sắc trên da, biểu hiện là các vùng da có màu nâu, đen hoặc xanh. Bớt có thể là bẩm sinh tức là bớt xuất hiện từ khi sinh ra hoặc bớt mắc phải là các bớt xuất hiện trong quá trình lớn lên.
Nguyên nhân xuất hiện các bớt sắc tố là do sự tăng sinh tế bào hắc tố được kích hoạt bởi các yếu tố khác nhau như gen, hormon, hay tiếp xúc ánh sáng mặt trời,….
Laser được hiểu là sự khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ kích thích để tạo ra năng lượng. Năng lượng ánh sáng được tạo ra từ laser sẽ làm tổn thương từng mục tiêu cụ thể và đối với bớt sắc tố trên da thì mục tiêu nhắm đến của laser là sắc tố. Mỗi sóng laser được đặc trưng bởi bước sóng, các đặc tính riêng biệt của từng loại sóng thì khác nhau. Các bước sóng laser lý tưởng để điều trị tình trạng bớt sắc tố da bao gồm có laser Ruby bước sóng 694nm, laser Alexandrite bước sóng 755nm, Laser Nd:YAG bước sóng 1064nm (Nd:YAG) hay laser KTP 532nm. Mỗi loại bớt sắc tố đáp ứng với các loại laser khác nhau và chiến lược điều trị khác nhau. Nhận biết, chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị bằng laser cho từng loại bớt cần dựa vào kiến thức, kinh nghiệm lâm sàng của người bác sĩ.
1. Bớt Ota
Hình: Bớt Ota
Bớt Ota là bớt tăng sắc tố lành tính xuất hiện sau sinh hoặc từ thời niên thiếu, phân bố ở một bên mặt và theo nhánh dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh số V) ở vùng mặt. Bớt Ota biểu hiện là những dát có màu xanh đen, nâu hoặc xám ở quanh hốc mắt, thái dương, trán, má và mũi.
Laser là điều trị đầu tay cho những bệnh nhân có bớt Ota trên mặt. Đối với bớt Ota nên được điều trị càng sớm càng tốt. Các laser như: QS Ruby laser 694nm, Alexandrite laser 755nm, Nd:YAG (532 và 1064nm) đều có thể dùng để điều trị bớt Ota. Trung bình có thể sẽ mất vài lần điều trị, mỗi lần cách hau 2-4 tuần. Hiệu quả điều trị khá khả quan với mức độ sạch thương tổn lên tới 90%.
Với laser QS Ruby 649nm, thời gian giữa các lần điều trị 1-3 tháng. Thông thường đạt hiệu quả tốt sau trung bình 5,5 lần điều trị. Nhược điểm lớn của laser này đó là tỷ lệ giảm sắc tố và tăng sắc tố sau laser còn cao, trong đó đặc biệt là giảm sắc tố. Chính vì thế laser này ít khuyến cáo cho các bệnh nhân có loại da sậm màu.
Riêng đối với Laser QS Nd:YAG 1064nm, tỷ lệ tăng sắc tố và giảm sắc tố sau laser thấp, thích hợp với mọi loại da. Khi sử dụng năng lượng thấp sẽ giảm đau, phù hợp điều trị thương tổn ở trẻ em, tuy nhiên cần nhiều lần điều trị mới đạt đáp ứng tốt.
2. Bớt Hori
Hình: Bớt Hori
Bớt Hori là một bệnh lý tăng sắc tố da mắc phải khá phổ biến, đặc biệt ở người châu Á. Bệnh thường khởi phát sau 11 tuổi, gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bớt Hori hay còn được gọi là dát giống bớt Ota mắc phải đối xứng (accquired bilateral nevus of Ota-like macules ABNOM) do đặc điểm lâm sàng giống bớt Ota nhưng ở hai bên của mặt.
Bớt Ota biểu hiện là những dát, khoảng màu xám xanh hay nâu xám xuất hiện đối xứng hai bên chủ yếu ở gò má, trong một số trường hợp có thể gặp ở trán, thái dương, mũi. Nguyên nhân hiện còn chưa rõ, có thể do rối loạn nội tiết, ánh sáng mặt trời hay môi trường,…
Laser là điều trị đầu tay cho bớt Ota như Laser QS Ruby, Alexandrite, NdYAG đều được sử dụng để điều trị bớt Hori. Trong đó lựa chọn đầu tiên có thể kể đến Laser QS Nd YAG 1064nm.Bớt Hori đáp ứng kém hơn Ota nên cần phải điều trị nhiều lần, khoảng thời gian điều trị có thể vài tháng tuỳ vào mức độ sang thương lan rộng và tình trạng da sau mỗi lần điều trị với laser. Mặc dù đáp ứng với laser thấp hơn bớt Ota nhưng hiệu quả sử dụng laser điều trị Hori vẫn khá ngoạn mục, với khả năng làm sạch thương tổn từ 80-90%.
3. Bớt Becker
Bớt Becker là bớt sắc tố mắc phải (xuất hiện từ thời thơ ấu) thường gặp ở nam giới. Thương tổn là những dát hoặc mảng tăng sắc tố màu nâu, kích thước tương đối lớn, giới hạn rõ, xuất hiện đối xứng ở vùng vai, xương bả vai, cánh tay trên, vùng lưng trên và có thể xuất hiện ở thân dưới kèm theo sự phát triển nang lông dẫn đến rậm lông và có thể là mụn trứng cá tại vùng bớt.
Điều trị nhằm làm giảm sắc tố của bớt Becker là vấn đề khá khó khăn, thường ít đáp ứng với điều trị. Điều trị bao gồm cả điều trị triệt lông và điều trị tình trạng tăng sắc tố của bớt. Có thể sử dụng các loại laser như laser Nd:YAG, laser Ruby, laser Er:YAG để làm nhạt màu thương tổn. Rậm lông vùng bớt có thể điều trị hiệu quả bằng IPL và laser triệt lông.
Laser đã và đang là công cụ hữu hiệu điều trị bớt sắc tố trên da, tuy nhiên chọn loại laser phù hợp, cũng như phối hợp điều trị sao cho tối ưu nhất phụ thuộc vào bác sĩ điều trị của bạn. Do đó, người bệnh nên đến những cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và tư vấn về phương pháp điều trị, hiệu quả cũng như hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
- Jean L. Bolognia and Seth J. Orlow. Melanocyte Biology. Jean L. Bolognia, Julie V. Schaffer, Lorenzo Cerroni. Dermatology 4th 2018; 65: 1074-1085
- Wulkan et al. Successful treatment of Becker’s Nevus with long-pulsed 1064-nm Nd:YAG and 755-nm alexandrite laser and review of the literature. J Cosmet Laser Ther. 2018
- Michelle Rodrigues & Amit G. Pandya. Hypermelanoses. Sewon Kang, Masayuki Amagai, Anna l. Bruckner. Fitzpatrick’s Dermatology. 9th edition. McGraw-Hill; 2019; 77:1351-1390
Ghi chép theo chia sẻ ThS.BS Trần Thị Thúy Phượng
Khoa Da liễu – Thẩm Mỹ Da
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM