Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Lâm sàng Da liễu Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Dermatology), đa số phương pháp điều trị mụn trứng cá, bao gồm thuốc bôi và lột da bằng hóa chất đều an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Các loại thuốc bôi trị mụn trứng cá bao gồm:
- Axit azelaic,
- Clindamycin,
- Erythromycin,
- Metronidazole và
- Benzoyl peroxide
đều được khuyến khích sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, dữ liệu về dapsone tại chỗ còn hạn chế và chưa có kết luận liệu có nên sử dụng thuốc này trong thai kỳ hay không. Tương tự, clascoterone bôi tại chỗ là một phương pháp điều trị mụn trứng cá mới và độ an toàn của nó khi mang thai vẫn chưa được xác định.
Trong số các retinoid bôi tại chỗ, tretinoin và adapalene đã được chứng minh là an toàn khi mang thai trong các nghiên cứu lớn và không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Có vài dữ liệu ghi nhận về ảnh hưởng của tazarotene, do đó, tazarotene không được khuyến khích sử dụng trong thai kỳ.
Dữ liệu nghiên cứu lâm sàng trên động vật cho thấy không có tác dụng gây quái thai khi sử dụng các kháng sinh đường uống sau: cephalexin, cefadroxil, amoxicillin, azithromycin hoặc erythromycin. Đồng thuận ủng hộ việc sử dụng cefadroxil cho mụn trứng cá nặng và amoxicillin cho bệnh trứng cá đỏ mức độ nặng ở bệnh nhân mang thai. Corticosteroid toàn thân, chẳng hạn như prednisone, có thể được sử dụng cho bệnh nhân mang thai bị mụn trứng cá nặng để tránh nguy cơ sẹo. Trong ba tháng đầu, nên giới hạn liều prednisone ở mức 0,5 mg/kg/ngày do nguy cơ dị tật hở hàm ếch.
Việc sử dụng isotretinoin, spironolactone và doxycycline không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai.
Về việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung, liều kẽm tối đa 75 mg/ngày đã được chứng minh là an toàn cho thai nhi, trong khi dùng cao hơn có thể dẫn đến hạ đường huyết. Ngoài ra, dư thừa kẽm có thể gây quái thai hoặc gây tử vong.
Mặc dù việc bổ sung vitamin A bằng đường uống đôi khi được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, nhưng không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai vì có liên quan đến các tác dụng phụ đáng kể, chẳng hạn như bệnh lý phôi thai, dị tật não, dị tật động mạch chủ, hàm dưới nhỏ và hở hàm ếch.
Việc sử dụng lột da bằng axit glycolic và axit lactic tương đối an toàn khi mang thai vì khả năng thẩm thấu qua da hạn chế. Tuy nhiên, lột da bằng axit salicylic nên được sử dụng thận trọng vì chúng có khả năng thẩm thấu qua da đáng kể.
Tiêm corticosteroid vào vết thương với số lượng nhỏ là an toàn.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại mỹ phẩm nói chung như sản phẩm chăm sóc vệ sinh da mặt và trang điểm đều an toàn trong khi mang thai. Kem chống nắng có thể làm giảm tình trạng tăng sắc tố sau viêm và được khuyên dùng cho những bệnh nhân mang thai bị mụn trứng cá. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kem chống nắng hóa học nói chung là an toàn, nhưng kem chống nắng vật lý sẽ là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân mang thai.
Trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn, tretinoin an toàn và không làm tăng nguy cơ rối loạn bẩm sinh khi sử dụng trong ba tháng đầu. Ngoài ra, nên ngừng sử dụng isotretinoin ngay lập tức khi mang thai ngoài ý muốn do tác dụng gây quái thai của nó.
Mụn trứng cá là một trong những tình trạng da liễu phổ biến nhất có ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vì vậy điều quan trọng là phải xem xét sự an toàn của các phương pháp điều trị mụn trứng cá lâu dài đối với những phụ nữ có thể mang thai.
Tài liệu tham khảo
Rau A, Keri J, Murase JE. Management of acne in pregnancy. Am J Clin Dermatol. Published online March 7, 2024. doi: 10.1007/s40257-024-00851-6
Câu hỏi thường gặp
1. Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở đâu khi mang thai?
Mụn trứng cá có thể xuất hiện trên mặt, lưng, ngực, vai và cổ.
2. Chăm sóc da như thế nào để giảm mụn trứng cá?
Chăm sóc da đúng cách bằng cách rửa mặt hàng ngày, sử dụng kem chống nắng, tránh tiếp xúc với dầu và bã nhờn có thể giúp giảm nguy cơ mụn trứng cá.
3. Khi mang thai có được nặn mụn được không?
Được, tuy nhiên bạn không nên tự ý nặn mà cần đến phòng khám chuyên khoa da liễu để tránh nguy cơ nhiễm trùng hay để lại sẹo.
4. Mang thai da đổ dầu nhiều có nên dùng sữa rửa mặt không?
Dùng sữa rửa mặt ngày 2 lần để làm sạch da, tránh bít tắc
5. Làm thế nào để giảm mụn lưng khi mang thai?
Mẹ bầu nổi mụn lưng khi mang thai cũng không quá hiếm gặp và thường khỏi hẳn sau sinh. Nên chọn sữa tắm trị mụn làm giảm bít tắc lỗ chân lông, chọn áo chất liệu cotton thoáng mát và đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phương pháp phù hợp.
BSCKI Dương Phương Chi
Khoa Da Liễu – Thẩm Mỹ Da, BV ĐH Y Dược TP.HCM