Theo nghiên cứu, rụng tóc từng vùng (alopecia areata) thường thấy ở người có màu tóc đen hay nâu đậm hơn những người có tóc màu nâu sáng hay vàng. Điều này cho thấy mối liên quan giữa rối loạn này với màu tóc tự nhiên.
Ahmed Yousaf và cộng sự cho rằng “Rụng tóc từng vùng xuất hiện ở những vùng tóc có mang sắc tố và không ảnh hưởng đến vùng tóc trắng kế cận. Sau đó, các sợi tóc con mọc lại thường là tóc trắng ở những vùng trước đây tóc sậm màu từng mọc.
Sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh (UK Biobank), các nhà nghiên cứu thực hiện một nghiên cứu bệnh – chứng, ghép gặp trên 502.510 người da trắng. Trong số này, 1.673 người mắc rụng tóc từng vùng. Mỗi bệnh nhân sẽ được ghép cặp để so sánh với 4 người không bị, có tuổi tác và giới tính tương đồng với mình. Mỗi người tham gia đều được hỏi về màu tóc tự nhiên của họ.
Xác suất những người có tóc màu nâu sậm hay đen được chẩn đoán mắc rụng tóc từng vùng cao hơn rõ rệt so với những người có tóc màu nâu nhạt (tóc màu nâu sậm: OR hiệu chỉnh = 1,26 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 1,11 đến 1,42 với P<0,001; tóc đen: OR hiệu chỉnh = 2,97 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 2,38 đến 3,71 với P<0,001).
Những người tóc vàng thường ít được chẩn đoán mắc rụng tóc từng vùng hơn những người có màu tóc nâu nhạt (OR hiệu chỉnh = 0,69 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 0,56 đến 0,85 với P<0,001) và những người tóc đỏ có nguy cơ mắc rụng tóc từng vùng tương đương với những người có tóc màu nâu nhạt (OR hiệu chỉnh = 0,94 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 0,70 đến 1,26).
Các tác giả cho biết “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ và mở rộng giả thuyết về mối liên hệ giữa rụng tóc từng vùng và sắc tố của tóc trước đây. Cơ chế vì sao sắc tố đậm hơn lại có liên quan đến rụng tóc từng vùng vẫn còn chưa rõ. Mặc dù vậy, kết quả của chúng tôi gợi ý rằng nghiên cứu về sự tương đồng giữa cơ chế tạo sắc tố của tóc và tính miễn dịch hay tự miễn đối với protein liên quan đến quá trình tạo melanin, có thể giúp làm sáng tỏ căn bệnh phổ biến nhưng chưa được hiểu rõ này.