Nốt ruồi hầu hết ai cũng có ở nhiều vị trí trên cơ thể và không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nốt ruồi xuất hiện báo hiệu một bệnh lý.
Bé Lý Nam Phương (tên nhân vật đã được thay đổi, 3 tuổi, tỉnh Bình Phước), ngay từ khi sinh ra đã xuất hiện một nốt đỏ ở lưng giống nốt ruồi. Trong những năm đầu vì gia đình khá bận việc nên chưa thể đưa con đi kiểm tra.
Cách đây 2 ngày, chị Nguyễn Phương Dung có việc lên TP Hồ Chí Minh nên chị cũng đưa con đi khám. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được chẩn đoán mắc bướu máu.
“Khối bướu có dấu hiệu lớn dần nhưng bận quá nên chưa cho con đi khám chuyên sâu. Ở nhà nốt đỏ này không gây đau cho con nên mình chủ quan. Bác sĩ nói con tôi bị bướu máu nếu khối bướu tiếp tục lớn nhanh thì nên đưa đi khám và điều trị”, chị Dung chia sẻ.
Theo ThS.BS Thái Thanh Yến, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), nốt ruồi là một hình dạng mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ trên cơ thể và biết ngay đó là nốt ruồi. Bản chất của nốt ruồi là sự phân bố không đồng đều của tế bào melanocytes ở lớp đáy của tế bào biểu bì. Nốt ruồi có thể có nhiều hình dạng khác nhau, màu sắc nâu, đen hoặc đậm hơn. Nốt ruồi đa phần lành tính và không có sự thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, một số nốt ruồi có thể có nguy cơ ung thư tế bào hắc tố và chúng ta cần nhận biết rõ hoặc kiểm tra sớm để ngăn ngừa nguy cơ ung thư da có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mình.
“Đối với nốt ruồi thông thường và lành tính sẽ có một màu nhất định và không có sự biến đổi màu sắc nhiều. Có thể màu nâu, nhạt hơn hoặc đôi khi đậm nhưng điều đặc biệt đường viền của nốt ruồi khá rộng. Tuy nhiên, một số nốt ruồi có thể nhận biết được có nguy cơ ung thư tế bào hắc tố cao đó là nốt ruồi xuất hiện ngay khi bẩm sinh. Vì vậy cha mẹ có các bé sinh ra có những nốt ruồi như vậy nên tốt nhất nên đưa bé đi kiểm tra sớm để phòng ngừa ảnh hưởng đến sức khoẻ”, bác sĩ Thanh Yến chia sẻ.
Ngoài ra, khi trẻ sinh ra nốt ruồi có kích thước lớn trên 8mm nên đi kiểm tra xem có nguy cơ gì không. Một số nốt ruồi tình trạng không điển hình, tức có sự lớn dần lên theo thời gian, đậm màu ở trung tâm và nhạt màu ở xung quanh tổn thương, đôi khi viền không rõ ràng, kèm theo các triệu chứng đau, ngứa thì không nên chủ quan.
Khi bác sĩ thăm khám sẽ kiểm tra bằng những dấu hiệu lâm sàng, nếu có nghi ngờ sẽ cho làm xét nghiệm sinh thiết nhằm chẩn đoán được nốt ruồi có nguy cơ ung thư hay không. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao hơn sẽ được chụp X-quang hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định xem nguy cơ ung thư di căn và có ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không.
Chúng ta thấy nghi ngờ về hình dạng nốt ruồi, hay những nốt ruồi xuất hiện sau 25 tuổi cũng nên đi kiểm tra, xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng nên đi kiểm tra.
https://laodong.vn/y-te/not-ruoi-va-kha-nang-canh-bao-ung-thu-1240751.ldo