BS CKII Lê Vi Anh chia sẻ các phương pháp tối ưu trong điều trị các loại sẹo không cần phẫu thuật. Trong đó, lựa chọn hàng đầu là các phương pháp điều trị tại chỗ, hiệu quả và ít tác dụng phụ.
Sẹo là gì?
Sẹo là kết quả diễn tiến tự nhiên của quá trình sinh lý phục hồi sự toàn vẹn của da do các nguyên nhân như bệnh lý, thủ thuật, chấn thương. Hầu hết sẹo sẽ mờ, nhạt dần theo thời gian, tuy nhiên không thể biến mất hoàn toàn.
Sẹo hình thành do sự thành lập mô sợi nhằm thay thế mô bình thường bị hủy hoại do chấn thương hoặc bệnh lý nào đó. Nếu mô sợi được thành lập nhiều sẽ hình thành sẹo lồi hoặc phì đại, hoặc mô sợi bị giảm hay mất sẽ hình thành sẹo lõm.
Tổng quan về sự lành thương
BS CKII Lê Vi Anh cho biết sự lành thương là tập hợp những hiện tượng sinh học giúp sửa chữa một vết thương da. Quá trình này trải qua 4 giai đoạn cơ bản bao gồm:
- Giai đoạn cầm máu kéo dài vài giây đến vài giờ để tạo cục máu đông ngăn chặn mất máu tiếp diễn.
- Giai đoạn viêm kéo dài 1 đến 4 ngày giúp dọn dẹp các vật thể lạ, những tác nhân gây viêm như cục máu đông, mảnh mô chết, vi khuẩn…
- Giai đoạn tăng sinh từ 4 đến 21 ngày tăng sinh tế bào biểu mô, mô liên kết, mao mạch, nguyên bào sợi.
- Cuối cùng là giai đoạn tái tạo khôi phục tính toàn vẹn và chức năng mô thông qua các liên kết collagen hoặc tạo sẹo tùy thuộc vào diễn tiến các giai đoạn trước. Quá trình phục hồi cơ bản này đã được chứng minh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ, tính chất vết thương, sức đề kháng của cơ thể và cách chăm sóc vết thương.
Các nghiên cứu cho thấy các yếu tố trong sự lành thương như giai đoạn đầu phản ứng viêm tăng với sự di chuyển của bạch cầu trung tính và đại thực bào, sự hiện diện của nhiều cytokine gây viêm như IL-6 và IL-8, nồng độ TGF-b1 và TGF-b2 tăng, tỉ lệ collagen loại I ít hơn loại III, lượng axit hyaluronic trong vết thương thấp, nguyên bào sợi tăng do lực căng cơ học sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành sẹo xấu.
Bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế Dermatology Reports của tác giả PGS-TS-BS Lê Thái Vân Thanh và cộng sự (BS CKII Lê Vi Anh, PGS-TS-BS Văn Thế Trung, ThS-BS Tạ Quốc Hưng, TS-BS Trần Hương Giang, ThS-BS Nguyễn Lâm Vương) đã kết luận có sự tương quan giữa tăng biểu hiện IL-1b trong mẫu sinh thiết sẩn viêm và độ nặng của bệnh mụn trứng cá, và tổn thương viêm mạn, hoặc tình trạng viêm nặng, hoại tử dẫn đến kéo dài quá trình hoạt hóa nguyên bào sợi, tăng các cytokine tiền viêm, mất cân bằng MMP – TIMP dẫn đến sự phá hủy nghiêm trọng các sợi elastin, collagen, giảm tăng sinh các keratinocyte dẫn đến sự hình thành sẹo lõm.
Chính vì thế, việc ngăn ngừa quá trình hình thành sẹo bằng cách chăm sóc tích cực vết thương và sẹo đúng cách bao gồm kiểm soát quá trình viêm kịp thời và tích cực, tránh sức căng cho vết thương để ngăn ngừa hình thành sẹo là rất quan trọng.
Các nguyên tắc cơ bản để vết thương lành tốt
BSCKII Lê Vi Anh đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản để vết thương lành tốt gồm:
- Nguyên tắc 1: Quản lý mô vết thương bao gồm loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương.
- Nguyên tắc 2: Thực hiện các phương pháp loại bỏ nhiễm khuẩn và ngăn ngừa quá trình viêm.
- Nguyên tắc 3: Loại bỏ tiết dịch và tạo môi trường ẩm lý tưởng.
- Nguyên tắc 4: Cung cấp môi trường tối ưu cho sự di chuyển của tế bào qua vết thương.
Phối hợp các phương pháp điều trị sẹo tại chỗ
Chọn lựa phương pháp tối ưu trong điều trị sẹo dựa vào loại sẹo cũ hay mới, loại sẹo, kết cấu, màu sắc và đáp ứng với điều trị, vị trí cơ thể, mức độ ảnh hưởng trên thẩm mỹ, chức năng, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe và tài chính của bệnh nhân. Lựa chọn hàng đầu là các phương pháp điều trị tại chỗ, hiệu quả, an toàn, dễ sử dụng và ít tác dụng phụ.
Các thành phần trong thuốc bôi giúp cải thiện sẹo có thể kể đến như các yếu tố tăng trưởng (EGF, bFGF), các chất chống ô xy hóa (vitamin C, E, curcumin, coenzyme, Q10, trà xanh…), các chất giữ ẩm, silicon. Trong đó, acid hyaluronic và silicon được chứng minh là có vai trò rất quan trọng trong điều trị và hình thành sẹo.
– Acid hyaluronic giúp giữ ẩm, thúc đẩy sự tăng sinh tế bào, tân tạo mạch máu, ổn định và tổ chức sự hình thành mô hạt, tái lập thượng bì có.
– Silicon dạng gel thoa hoặc miếng dán silicon giúp cải thiện sắc tố, độ dày, độ mềm của sẹo, hiệu quả trong ngăn ngừa sẹo sau phẫu thuật hay tổn thương da.
Đặc biệt cả hai hoạt chất này đều có thể sử dụng được ngay sau khi có tổn thương da. Các phương pháp điều trị tại chỗ xâm lấn hơn được sử dụng phối hợp nếu sẹo khó trị như sẹo cũ, sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co kéo. Cụ thể:
- Laser xung màu, ánh sáng xung cường độ cao tác động lên Hemoglobin và giảm mạch máu nuôi sẹo, giảm yếu tố tăng trưởng mô liên kết giúp cải thiện màu sẹo, cấu trúc, độ dày sẹo.
- Laser phân đoạn CO2 ly giải quang nhiệt, tái cấu trúc collagen cải thiện bề mặt, sự co kéo sẹo, giảm đau, ngứa, hỗ trợ khuếch tán thuốc xuống dưới da.
- Công nghệ radiofrequency ly giải quang nhiệt giúp cải thiện trên cả sẹo phì đại và sẹo lõm, hỗ trợ đưa thuốc xuống dưới da… Các phương pháp này có thể được chọn điều trị đơn lẻ hoặc phối hợp dựa vào đánh giá của bác sĩ điều trị.
Nên làm gì để phòng ngừa sẹo?
Để phòng ngừa sẹo, bác sĩ và bệnh nhân đóng vai trò quan trọng, trong đó:
– Bác sĩ: sử dụng các đường căng da để rạch, giảm thiểu tối đa sức căng khi đóng vết thương, khâu đa lớp, cắt chỉ đúng thời gian.
– Bệnh nhân: giảm thiểu các cử động để tránh sức căng lên vết thương, chăm sóc vết thương tốt, sử dụng băng vết thương giữ sạch sẽ, cung cấp đủ độ ẩm, giảm nguy cơ nhiễm trùng và bôi sớm các thành phần giúp lành thương và ngăn ngừa sẹo.
Cuối cùng, BSCKII Lê Vi Anh đưa ra kết luận cần để vết thương da lành tốt ngăn ngừa để lại sẹo xấu đòi hỏi các bước chăm sóc phù hợp dựa trên các giai đoạn của sự lành thương và tránh các yếu tố nguy cơ. Hơn nữa, các phương pháp điều trị không phẫu thuật giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện và ngăn ngừa hình thành sẹo. Trong đó chăm sóc vết thương tốt, bôi sớm từ đầu các thành phần giúp cải thiện sẹo là biện pháp ngăn ngừa khả thi.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh có thể kết hợp các phương pháp để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Tuy nhiên cần lưu ý rằng mỗi loại sẹo đáp ứng với các phương pháp điều trị và kết hợp khác nhau, do đó cần cá thể hóa điều trị để đạt hiệu quả mong muốn.