Sử dụng những loại thuốc gì để trị viêm da tiếp xúc hiệu quả là băn khoăn hàng đầu của bất cứ ai khi chẳng may mắc phải bệnh lý khó chịu này. Hãy tham khảo ngay những thông tin hữu ích dưới đây để tìm lời giải đáp cho vấn đề này!
Bị viêm da tiếp xúc, nên làm gì?
Viêm da tiếp xúc là phản ứng của da do tiếp xúc với một số loại hóa chất có khả năng phá hủy hàng rào bảo vệ của da, gây tổn thương da; hoặc một số tác nhân gây ra phản ứng miễn dịch quá mẫn trên da và dẫn đến tình trạng viêm da.
Viêm da tiếp xúc có biểu hiện là nổi mụn nước hoặc mụn mủ da tại vị trí tiếp xúc hoặc lan toả toàn thân, sau đó đóng mày hoặc vảy và tự lành sau 2 – 4 tuần không tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Bệnh thường diễn tiến kèm theo triệu chứng cơ năng như đau rát, châm chích, ngứa, mức độ của các triệu chứng phụ thuộc vào độ mạnh yếu và thời gian tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và có gây tổn thương mạn tính như dày da, nứt nẻ, hóa sừng…
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, khi có những biểu hiện đầu tiên của viêm da tiếp xúc, hãy cố gắng tìm ra và ngưng ngay việc tiếp xúc với yếu tố gây ra tình trạng này. Nếu chẳng may tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng, hãy dùng nước sạch để rửa sạch chúng và đi khám càng sớm càng tốt.
Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc trị viêm da tiếp xúc mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì?
Dùng đúng loại thuốc và đúng liều có thể làm giảm các triệu chứng và giúp kiểm soát triệu chứng ở những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ da liễu để có sự thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác về tình trạng viêm da tiếp xúc mà mình đang mắc phải.
Thông thường, các loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc được chia làm hai loại chính, bao gồm:
– Thuốc điều trị tại chỗ:
+ Dung dịch sát khuẩn màu: Eosin 2%, Millian… có tác dụng sát khuẩn nhẹ tại vùng da bị tổn thương nổi bóng nước, trợt da, rỉ dịch. Dùng mỗi ngày để sát khuẩn tại chỗ cho các mụn nước còn nguyên vẹn hoặc mới mọc.
+ Thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc chứa corticosteroid như: hydrocortisone acetate, clobetasol butyrate, clobetasol dipropionate, …. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ và vị trí của tổn thương để lựa chọn nhóm thuốc phù hợp. Trung bình thuốc bôi được dùng 2 lần/ ngày, trong 1-2 tuần.
+ Kem giữ ẩm (Ceradan, Xeracalm, Physiogel) hoặc tiêu sừng (Salicylic acid…) cho những vùng da trở nên khô, dày, thậm chí xuất hiện những vết nứt nẻ. Sử dụng nhiều lần trong ngày, và có thể dùng lâu dài để bảo vệ hàng rào da.
– Thuốc điều trị toàn thân:
Trường hợp viêm da tiếp xúc nặng, có nhiễm trùng; hay vùng viêm da tiếp xúc dị ứng bị rỉ dịch nhiều hoặc có mủ hoặc phản ứng toàn thân, người bệnh cần phải uống kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian ngắn để kiểm soát triệu chứng.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân ngứa nhiều, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định uống một trong các thuốc kháng histamin như chlopheniramin, loratadin, cetirizine,… trong 5-7 ngày. Tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng histamin dạng bôi ngoài da ở những bệnh nhân viêm da tiếp xúc.
Cách chăm sóc da khi bị viêm da tiếp xúc
Phần lớn, người bệnh chỉ cần tránh tiếp xúc trở lại với các yếu tố gây bệnh và sử dụng thuốc trị viêm da tiếp xúc đúng theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn chỉ sau 2 – 4 tuần.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hoặc tái phát, bệnh nhân cần hết sức lưu ý những vấn đề dưới đây trong việc chăm sóc, bảo vệ làn da, đặc biệt là vùng da đã và đang xảy ra tình trạng viêm da tiếp xúc:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da (hay gặp là hoá chất và chất tẩy rửa)
- Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, nên trang bị đầy đủ các biện pháp bảo vệ da như găng tay, khẩu trang, quần áo, ủng, mũ…
- Cắt móng tay, nhất là ở trẻ nhỏ để tránh làm trầy xước da.
- Hạn chế tác động mạnh đến những vùng da tổn thương như chà xát, gãi…
- Thường xuyên tắm rửa, thay quần áo và giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
- Nếu thấy tình trạng viêm da tiếp xúc diễn tiến nặng hoặc tái phát, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu khám càng sớm càng tốt.
Cũng như nhiều loại bệnh khác, việc sử dụng thuốc trị viêm da tiếp xúc đúng cách, theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp người bệnh đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất trong thời gian ngắn nhất, cũng như hạn chế được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.