Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy vậy, rất ít các bậc phụ huynh có được thông tin một cách đầy đủ và chính xác về bệnh lý này để có thể chữa trị triệt để cho trẻ.
Vì sao trẻ sơ sinh bị viêm da mủ?
Viêm da mủ là một tình trạng nhiễm trùng ở da, thường do vi trùng mà cả trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành đều hoàn toàn có thể mắc phải.
Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, làn da mỏng manh cùng hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh chính là “mảnh đất màu mỡ” để các loại vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh viêm da mủ cho trẻ.
Thời điểm viêm da mủ ở trẻ sơ sinh “bùng phát” mạnh mẽ nhất là khi cơ thể suy yếu, môi trường ô nhiễm, tình trạng vệ sinh kém, da bị tổn thương… đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh bệnh.
Bên cạnh đó, sang thương da có trước; béo phì; điều trị steroids và các thuốc hóa trị; rối loạn globulin trong máu, rối loạn bạch cầu trong bệnh ung thư máu hoặc u hạt mạn tính; đái tháo đường… cũng là các yếu tố thuận lợi để bệnh viêm da mủ ở trẻ em xuất hiện.
Những bệnh lý thường gặp trong viêm da mủ ở trẻ em
Chốc: Là một bệnh da có thể tự tiêm nhiễm, không miễn dịch, rất dễ lây và thường gặp ở trẻ em từ 2-5 tuổi. Chốc được chia thành hai loại:
+ Chốc lây (impetigo contagiosa) hay chốc không bóng nước: Thương tổn căn bản là những mụn nước rồi nhanh chóng trở thành mụn mủ, bể và khô đi, đóng mài nâu vàng trên nền da trợt nông. Thương tổn có thể gặp ở bất cứ vùng da nào, nhưng phần nhiều là ở tay chân và mặt, đặc biệt những vùng quanh lỗ tự nhiên.
+ Chốc bóng nước (bullous impetigo): ban đầu nổi mụn nước sau đó to dần tạo những bóng nước lớn, chùng xuất hiện trên nền hồng ban, bóng nước nông trong vòng 2 – 3 ngày sẽ vỡ tạo mài mỏng màu vàng nâu, rìa có viền vảy tróc, trung tâm lành.
Chốc loét: Thường xảy ra ở cẳng chân và lưng bàn chân. Bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh này bắt đầu với những mụn nước, mụn mủ rồi thương tổn lớn dần và tạo thành những vết loét đóng mài dày trong vòng vài ngày. Chốc loét có khuynh hướng lành sau vài tuần, để lại sẹo loạn sắc tố.
Viêm kẽ: Bệnh thường gặp ở những trẻ còn bú mẹ, đặc trưng bởi những thương tổn hồng ban giới hạn tương đối rõ, có thể trợt, nứt da, rỉ dịch, với triệu chứng rát bỏng và ngứa. Thương tổn thường ở những nếp da dính vào nhau, vùng sau tai, nếp cổ, nếp khuỷu, kẽ ngón tay, nếp dưới vú, bẹn, quanh hậu môn, nếp liên mông, nhượng chân, kẽ ngón chân.
Viêm nang lông: Đây là tình trạng viêm khu trú tại nang lông thường gặp với những mụn mủ, sẩn ở nang lông, có quầng viêm đỏ xung quanh và có thể thấy sợi lông xuyên qua. Viêm nang lông thường xuất hiện ở vùng da đầu, mặt, nách, mông… Viêm nang lông là bệnh dễ tái phát nhất trong nhóm bệnh lý viêm da mủ ở trẻ sơ sinh.
Nhọt là tổn thương viêm sâu quanh nang lông, nhất là tại những vùng có lông chịu sự cọ sát và ẩm ướt như mặt, da đầu, mông, nách. Thương tổn bắt đầu bằng một cục sưng cứng, đau, sờ nóng, mưng mủ sau vài ngày với ngòi vàng và hoại tử ở trung tâm.
Viêm quầng: đặc trưng là một mảng hồng ban phù nề, giới hạn rõ, nóng và đau, lan rộng nhanh chóng như một vết dầu loang, thường kèm theo nổi hạch vùng. Ngoài ra, trẻ có thể sốt cao, lạnh run, đau khớp, nhức đầu trước thương tổn da nhiều giờ.
Viêm mô tế bào: là một tình trạng nhiễm trùng sâu dưới da với biển hiện đặc trưng là hồng ban, giới hạn không rõ và sưng, nóng, đau. Trẻ có thể sốt, lạnh run, khó chịu và viêm hạch. Đáng chú ý, tình trạng phù, trầy xước, loét mạn tính, nấm chân với các kẽ ngón bị ẩm ướt lâu ngày… là các yếu tố nguy cơ của bệnh.
Khi trẻ sơ sinh bị viêm da mủ, cha mẹ nên làm gì?
Các chuyên gia da liễu cảnh báo, trẻ sơ sinh bị viêm da mủ nếu không được điều trị sớm và đúng cách, trẻ có thể phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng về ngoại hình, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu ban đầu của viêm da mủ, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, viêm da mủ ở trẻ em thường gây đau, rát và ngứa. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ cần hết sức cẩn trọng và chu đáo:
- Nên cho trẻ mặc những bộ quần áo mỏng, và rộng rãi.
- Luôn giữ gìn vệ sinh thân thể của trẻ sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên và lau khô người bằng các loại khăn mềm.
- Hạn chế để trẻ gãi, cọ xát vào các vùng da đang bị tổn thương.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng các loại vitamin, chế độ ăn uống đa dạng, giàu rau củ và trái cây.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá hay tắm các loại lá cây…
Viêm da mủ là một hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ sơ sinh bị viêm da mủ, nên đưa trẻ đi khám bệnh để được các chuyên gia y tế chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Nếu không được can thiệp đúng lúc, bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh không những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn có thể để lại những di chứng thẩm mỹ vĩnh viễn cho trẻ về sau.