Ung thư tế bào đáy là loại ung thư phổ biến nhất của con người và cũng là loại ung thư da phổ biến nhất.
Đôi nét về ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC), còn được gọi là ung thư tế bào đáy, dạng tân sinh của tế bào đáy của thượng bì. Gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới tuy nhiên những năm gần đây tỷ lệ mắc lại đang tăng nhiều và xu hướng gặp nhiều ở phụ nữ trẻ. Mức độ ác tính thường cao hơn ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi.
Có 4 thể của ung thư tế bào đáy bao gồm: thể bề mặt, thể nốt, thể sắc tố và thể thâm nhiễm trong đó thể nốt là thường gặp nhất với khoảng 50% trường hợp. Những vị trí chủ yếu là ở mặt, hay gặp nhất là má, mũi, nếp mũi má, trán và mí mắt.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của SCC là tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và những người da trắng có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm yếu tố tiếp xúc môi trường (bức xạ ion hoá, giường tắm nắng, chất hoá học (arsen, hắc ín, psoralene kèm PUVA), kiểu hình (tàn nhang, tóc đỏ, da trắng hay bị cháy nắng nhueng không bao giờ đậm màu da), suy giảm miễn dịch như ghép tạng (làm tăng nguy cơ SCC lên 5 – 10 lần).
Mặc dù BCC gần như ít gây tử vong nhưng nó gây sự biến dạng cấu trúc và phá huỷ mô tại chỗ. Tỷ lệ di căn của BCC xấp xỉ 1 trong 35000. Di căn thường hiếm và thường xảy ra qua thần kinh ngoại biên, lan toả, di căn hạch sau đó đến phổi/xương.
Triệu chứng:
BCC thể nốt là những nốt hoặc sẩn như hạt ngọc trơn láng với bờ cuộn lên và kèm giãn mạch. Loét và sắc tố có thể thấy.
BCC thể bề mặt đặc trưng bởi đám hoặc mảng hồng ban bờ giới hạn rõ có thể có vảy hoặc không, vảy tiết và bờ gờ cuộn. Tổn thương tiến triển theo chiều ngang và một số biến đổi bề mặt có thể gặp như teo da, giảm sắc tố kèm với sắc tố. Những tổn thương sớm của BCC thể bề mặt thường khó phát hiện, tổn thương có thể là sẩn-mảng mỏng màu đỏ đậm hoặc hồng nhạt.
BCC thể sắc tố: bất cứ thể nào của BCC cũng có thể có tăng sắc tố. Đa phần BCC thể sắc tố là các nốt. BCC nốt sắc tố: sẩn hoặc nốt trơn láng như ngọc, màu nâu hoặc đen hoặc xám đậm với các mạch máu phân nhánh với bờ gờ cuộn lên đặc biệt khu trú ở những vùng phơi bày ánh sáng (mặt). BCC bề mặt sắc tố: đám hoặc mảng mỏng màu đỏ nâu có vảy và bờ cuộn thường xuất hiện ở thân mình và chi ở người trẻ tuổi,…
BCC thể thâm nhiễm biểu hiện là mảng như sẹo màu hồng đến trắng, mỏng, ăn sâu, hơi gờ hoặc hơi lõm có thể kèm vảy, vảy tiết, vết trợt và giãn mạch chân chim bề mặt.
Chuẩn đoán:
Dựa vào các đặc điểm về chủng tộc, độ tuổi, màu da, nghề nghiệp, tiền sử tiếp xúc ánh sáng.
Khám sang thương da nghi ngờ từ nhiều góc độ khác nhau để nhìn thấy được những biến đổi của sang thương. Sinh thiết da là cần thiết để khẳng định chẩn đoán và có thể lựa chọn phương pháp cắt, shaving, punch, cắt bỏ đồng thời cũng được sử dụng trong điều trị kiểm tra xem đã sạch tế bàou hay chưa.
Bệnh nhân được chẩn đoán BCC thường có nguy cơ cao mắc các ung thư da khác kể cả thể khác của BCC, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố. Do vậy, cần thăm khám toàn thân ít nhất 1-2 lần mỗi năm. Bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn để tự thăm khám và phát hiện sớm sang thương, các bảo vệ da và tránh ánh sáng mặt trời.
Điều trị:
Nguyên tắc chung trong điều trị BCC là loại bỏ triệt để tổ chức ung thư, điều trị phủ tổn khuyết, đảm bảo chức năng và thẩm mỹ sau khi cắt bỏ tổn thương u.
Điều trị thông thường bằng phẫu thuật cắt bỏ, hoặc sử dụng phương pháp phẫu thuật Mohs được lựa chọ dựa vào vị trí và kích thước khối u. Lựa chọn khác bao gồm nạo và đốt điện, thuốc tại chỗ, xạ trị hoặc thuốc uống, phẫu thuật lạnh. Chiến lược điều trị cần được đưa ra dựa vào đặc điểm của khối u như kích thước-vị trí (có nằm ở những vị trí hiểm hóc không)-bờ tổn thương và khả năng di căn và mục đích của người bệnh.
Trước hết, dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả sinh thiết để xác định nguy cơ cao hay thấp. Vị trí và kích thước cũng là 2 yếu tố giúp ta tiên lượng nguy cơ. Khối u hơn 2cm trên thân mình hay chi thường được xếp vào nhóm nguy cơ tái phát cao.
Ở mặt (mí mắt, cung mày, mũi, môi, tai), sinh dục, bàn tay và bàn chân cũng là những vị trí nguy cơ tái phát cao. Má, trán, cổ, trước xương chày, da đầu là những vị trí tái phát trung bình.
Yếu tố tiên lượng tái phát thấp gồm tổn thương nhỏ ở thân mình, tổn thương giới hạn rõ, không có tiền sử chiếu xạ tại vị trí tổn thương, không có nguy cơ của suy giảm miễn dịch.
Đối với tổn thương nguy cơ tái phát thấp, phẫu thuật cắt bỏ tiêu chuẩn là lựa chọn đầu tiên và nên cắt rộng ra ngoài bờ tổn thương 4 mm. Phẫu thuật Moh thường được lựa chọn cho những khối u nguy cơ cao và những vùng có nguy cơ trung bình tới cao bởi cách phẫu thuật này cho tỉ lệ khỏi bệnh tốt nhất và bảo tồn được nhiều mô lành khi so sánh với phẫu thuật thông thường.
Tất cả những trường hợp tái phát, bờ không rõ hoặc BCC điều trị chưa triệt để nên được điều trị bằng phẫu thuật Moh nếu không có chống chỉ định.
Kỹ thuật nạo bằng curette và đốt điện cũng thường sử dụng, tuy nhiên cần tránh những tổn thương xấm lấn sâu vào trung bì và những vị trí có tóc. So với phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật mô thì phương pháp này có tỉ lệ lành bệnh và tính thẩm mỹ thấp hơn.Ngoài ra có thể dùng Imiquimod, quang động học, phẫu thuật lạnh.
Di căn rất hiếm khi xảy ra, thường giới hạn ở hạch vùng và phẫu thuật kết hợp với xạ trị là điều trị chính trong trường hợp này.
Về phòng ngừa nên tránh ánh sáng mặt trời, mặc quần áo dài tay, mang mũ rộng vành, đeo kính râm, sử dụng kem chống nắng đúng quy cách.
Tránh thời điểm nắng to từ 10 – 16 giờ hàng ngày vào mùa hè, nhưng cũng đừng quên sử dụng kem chống nắng vào những ngày mùa đông. Vì tia nắng mặt trời vẫn tác động mạnh mẽ lên da vào mùa này.
Khám định kỳ 1-2 lần/ năm để phát hiện tình trạng tái phát hoặc các tổn thương ung thư mới ở các đối tượng có nguy cơ… Nếu có bất thường, nên tư vấn, khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.