Kinh tế phát triển, xăm hình ngày càng sôi động và được giới trẻ yêu thích. Ngoài cái được, tổn thương da không hề nhỏ, thậm chí cả bệnh nan y đe dọa tính mạng.
Xăm hình là gì?
Xăm hình (tattoo) là hình thức nghệ thuật tạo và lưu lại các hình vẽ lâu dài bằng việc đưa các loại mực màu vào da. Người ta có thể dùng kim hoặc máy xăm để đưa mực vào lớp trung bì da. Như vậy, xăm hình đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều vết thương nhỏ trên da. Điều này làm thay đổi sắc tố da và có thể được sử dụng để tạo ra hầu hết mọi hình ảnh có thể tưởng tượng được.
Hình xăm ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Theo một số cuộc khảo sát, từ 30% đến 44% người Mỹ trưởng thành có hình xăm.
Xỏ khuyên là một hình thức nghệ thuật cơ thể phổ biến khác. Trong kiểu chỉnh sửa cơ thể này, nghệ sĩ xỏ khuyên dùng kim chọc một lỗ trên cơ thể. Sau đó, họ nhét một món đồ trang sức vào lỗ này.
Mặc dù xăm và xỏ khuyên đã trở nên phổ biến, nhưng những thủ thuật này có những rủi ro về sức khỏe. Trước khi đưa ra quyết định thay đổi cơ thể, điều quan trọng là phải hiểu các tác dụng phụ liên quan đến các quy trình nói trên.
Các loại chỉnh sửa cơ thể qua xăm hình, hay nói cách khác các bộ phận cơ thể có thể bị đâm xuyên gồm tai, như dái tai, vành tai hoặc ốc xà cừ; mũi, chẳng hạn như lỗ mũi hoặc vách ngăn; lông mày; lưỡi; môi; má; lỗ rốn; núm vú; bộ phận sinh dục, chẳng hạn như âm vật hoặc dương vật…
Các quy trình chỉnh sửa cơ thể ấn tượng hơn bao gồm sử dụng đồ trang sức để kéo dài dái tai; cấy hạt vào da; tạo vảy hoặc cố tình để lại sẹo trên da; sử dụng thủ thuật đục lỗ qua da để tạo lỗ trên sụn…
5 bệnh lý da dễ mắc sau xăm hình
1.Nguy cơ dị ứng với mực
Theo một bài báo trên Tạp chí Phẫu thuật Da và Thẩm mỹ (Anh) “các sắc tố cổ điển và các sản phẩm thoái hóa của chúng được sử dụng trong quá trình xăm mình, dicromat (xanh lá cây), coban (xanh lam), cadmium (vàng) và muối thủy ngân (đỏ) rất dễ ứng dị ứng với hình xăm vĩnh viễn”.
Khi một chất lạ được đưa vào da trong quá trình xăm, nó có thể gây ra phản ứng độc hại hoặc miễn dịch. Phản ứng này có thể xảy ra ngay sau khi xăm hoặc nhiều năm sau đó.
2.Hình xăm có thể che giấu ung thư da
Tạp chí JAMA Dermatology mới đây đề cập cảnh báo của các nhà khoa học Đức, rằng mực xăm có thể che giấu những thay đổi đối với nốt ruồi, gây khó khăn cho việc đánh giá sức khỏe Mực cũng có thể di chuyển vào các mô bên dưới và giống như sự lây lan của khối u ác tính di căn.
Loại bỏ hình xăm bằng laser sẽ lộ ra vấn đề bởi tia laser phá vỡ sắc tố bên trong hình xăm. Nhưng nó cũng có thể phá vỡ sắc tố bên trong nốt ruồi đáng ngờ, khiến việc đánh giá nốt ruồi trở nên khó khăn. Vì lý do này, các bác sĩ Da liễu khuyến cáo nên xăm hình trên vùng da không nốt ruồi hoặc vết bớt, hoặc yêu cầu bác sĩ kiểm tra bất kỳ nốt ruồi nào trước khi xăm.
3.Hình xăm ảnh hưởng đến tăng tiết mồ hôi
Hình xăm có thể ảnh hưởng đến cách da tăng tiết mồ hôi. So với vùng da không có mực, da có hình xăm tiết ra mồ hôi ít hơn khoảng 50%. Đây là nghiên cứu của Đại học Alma, Michigan (Mỹ).
Theo nghiên cứu này thì thấy Natri trong mồ hôi cô đặc hơn khi tiết ra từ vùng da có hình xăm. Da thường tái hấp thu Natri và các chất điện giải tiết ra trong quá trình đổ mồ hôi, hình xăm có thể ngăn chặn một phần sự tái hấp thu này.
4.Tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn
Tạp chí Phẫu thuật Da và Thẩm mỹ đăng tải nghiên cứu cho biết, hình xăm có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes, dẫn đến chốc lở, viêm quầng và nhiễm trùng huyết;
Staphylococcus aureus có thể gây ra hội chứng sốc nhiễm độc hiếm gặp; nhiễm trùng da và mô mềm có thể do S. aureus kháng methicillin mắc phải ở cộng đồng (CA-MRSA); Treponema pallidum có thể gây bệnh giang mai; và Mycobacterium leprae gây bệnh phong.
Tạp chí BMJ Case Reports mới đây còn cho hay, một người đàn ông Mỹ sau khi xăm ở chân và ra tắm ở Vịnh Mexico và bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus (khuẩn ăn thịt người), bị hoại tử da và sốc nhiễm trùng trong hai tháng trước khi chết. Mặc dù không chết trực tiếp vì hình xăm nhưng anh ta đã mắc bệnh gan mãn tính và nhiễm trùng nguy hiểm vì khuẩn nói trên.
5.Gia tăng biến chứng trong các thủ thuật y tế
Một nghiên cứu trên Tạp chí Roentgenology của Mỹ cho biết, một người đàn ông bị bỏng da độ hai trong hai hình xăm khi chụp MRI cột sống cổ. Anh ấy phàn nàn về cảm giác bỏng rát trên cánh tay, vùng da có hình xăm nổi lên và sưng tấy.
Trong một trường hợp khác, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp bị bỏng hình xăm sau khi chụp MRI xương chậu.
Nghiên cứu cho biết bỏng là do “phản ứng điện từ do các hợp chất kim loại sắt từ được tìm thấy trong các sắc tố hình xăm, đặc biệt là oxit sắt, một phản ứng có khả năng làm sai lệch trường hình ảnh”.
May mắn thay, phản ứng này rất hiếm gặp nhưng nếu ai đó có ý định xăm hình thì nên tránh các loại mực làm từ sắt có thể gây nhiễu MRI hoặc thông báo cho bác sĩ nếu bạn đã có một hình xăm có chứa hợp chất này.