Tạp chí Y học Thực chứng vừa mới đăng tải bài tổng hợp hệ thống các dữ liệu từ những nghiên cứu so sánh hiệu quả của các thuốc thoa trị mụn mới với các thuốc khác. Axit azaleic cho hiệu quả tương đương với tretinoin nhưng lại không tốt bằng benzoyl peroxide khi dùng lâu dài.
Các nghiên cứu về axit azaleic đều có mức độ chứng cứ trung bình còn những nghiên cứu về axit salicylic, nicotinamide, lưu huỳnh, kẽm hay axit trái cây đều có mức độ chính xác thấp và nguy cơ sai lệch cao. Cần có thêm nhiều nghiên cứu về các liệu pháp điều trị mụn bằng thuốc thoa với mức độ chứng cứ cao để khẳng định được hiệu quả của các loại thuốc này.
Các tác giả đã tìm tất cả những thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn của các loại thuốc thoa điều trị mụn trong The Cochrane Skin Group Specialized Register, CENTRAL, Embase và LILACS từ khi các nhóm này thành lập đến tháng 5/2019.
Các thử nghiệm này được thực hiện trên các bệnh nhân mắc mụn trứng cá ở nhiều mức độ khác nhau và loại trừ các bệnh nhân bị phát ban dạng mụn trứng cá. Các thuốc dùng được nghiên cứu bao gồm axit azaleic, axit salicylic, nicotinamide, lưu huỳnh, kẽm và axit alpha hydroxit (AHA).
Kết quả dữ liệu được trình bày theo 2 dạng: 1 là điểm tự đánh giá của những bệnh nhân tham gia nghiên cứu về tình trạng cải thiện mụn theo chuẩn toàn cầu (PGA), 2 là rút khỏi nghiên cứu với bất kì lí do gì. Trong các phân tích tổng hợp, tỷ số nguy cơ (RR) được dùng để tổng kết các hiệu quả ước tính. Có 2 tác giả hoạt động độc lập để xem xét, chọn lựa các nghiên cứu thỏa điều kiện và các dữ liệu được trích xuất.
Mức độ chứng cứ được đánh giá bằng công cụ phân độ sự đánh giá, phát triển và lượng giá các khuyến cáo (GRADE _Grading of Recommendations, Assessment, Development, and Evaluation), công cụ đánh giá dựa trên giới hạn của nghiên cứu, tính hằng định của hiệu quả, tính thiếu chính xác, tính gián tiếp và nguy cơ sai lệch khi xuất bản.
Bài tổng quan tổng hợp dữ liệu từ 49 nghiên cứu được công bố từ năm 1969 đến năm 2017. Nghiên cứu đoàn hệ phân tích với hơn 3880 bệnh nhân, hầu hết ở lứa tuổi từ 12 đến 30, có mụn từ mức độ nhẹ đến vừa.
Thời gian điều trị kéo dài từ 5 ngày đến 12 tháng, hơn 1/2 nghiên cứu sử dụng liệu trình điều trị từ 8 tháng trở lên. Trong nhóm này có 7 thử nghiệm so sánh hiệu quả của axit azaleic với các thuốc thoa trị mụn khác.
Trong các thử nghiệm dài hạn với thời gian điều trị trên 8 tuần, nhóm dùng gel chứa 15% axit azaleic có chỉ số PGA thấp hơn nhóm dùng gel chứa 5% benzoyl peroxide (tỉ số nguy cơ (RR) là 0,82, với khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng từ 0,72 đến 0,95).
Sự không khác biệt về PGA giữa nhóm dùng gel chứa 15% axit azaleic và nhóm dùng tretinoin (tỉ số nguy cơ (RR) là 0,94, với khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng từ 0,78 đến 1,14) cho thấy rằng axit azaleic có hiệu quả tương đương với tretinoin. Theo bảng GRADE, các dữ liệu về axit azaleic có mức độ chứng cứ trung bình.
Trong bài tổng quan có 2 thử nghiệm so sánh hiệu quả của axit salicylic với các thuốc thoa khác thông qua thang điểm PGA. Trong thử nghiệm dài hạn với thời gian điều trị trên 8 tuần, nhóm dùng lotion chứa 3% axit salicylic có PGA tương tự với nhóm dùng kem chứ 0,05% tretinoin (tỉ số nguy cơ (RR) là 1,00, với khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng từ 0,92 đến 1,09).
Nhóm peel bằng dung dịch chứa 30% axit salicylic cho kết quả không khác biệt so với nhóm peel bằng dung dịch chứa 50% axit pyruvic trong khoảng thời gian từ 5 đến 8 tuần (tỉ số nguy cơ (RR) là 1,12, với khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng từ 0,68 đến 1,84). Mặc dù vậy, theo hệ thống GRADE, các bằng chứng này đều có mức độ thấp và rất thấp
Không nghiên cứu nào sử dụng PGA để đánh giá về hiệu quả của nicotinamide. Khi dùng thời gian dài, việc dùng axit glycolic cho kết quả theo PGA tương tự dùng hỗn hợp axit salicylic và mandelic (tỉ số nguy cơ (RR) là 1,06, với khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng từ 0,88 đến 1,26) và mức độ chứng cứ của các nghiên cứu này cũng thuộc nhóm thấp.
Không có bằng chứng thuyết phục cho thấy hiệu quả của lưu huỳnh và kẽm trong điều trị mụn. Trong tất cả các thử nghiệm, tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị bằng thuốc thoa đều nhẹ và thoáng qua.
Bài tổng quan Cochrane rút gọn nhấn mạnh rằng tất cả các liệu pháp trị liệu bằng thuốc thoa đều có mức độ chứng thấp. Hơn một nửa nghiên cứu không sử dụng PGA để đánh giá kết quả. Rất nhiều nghiên cứu có chất lượng thấp và rất thấp với nguy cơ người tham gia rút khỏi nghiên cứu và nguy cơ sai lệch khi xuất bản cao. Axit azaleic là thuốc có nghiên cứu có mức độ chứng cứ mạnh nhất trong các thuốc được nghiên cứu với hiệu quả tương đương với tretinoin nhưng thấp hơn khi so với benzoyl peroxide.
Các tác giả cho biết “Nguy cơ sai lệch và sự không chính xác làm chúng tôi mất lòng tin về nghiên cứu. Chúng tôi không thể đưa ra bất kì 1 kết luận nào về các thuốc thoa này. Chúng tôi cần thêm nhiều nghiên cứu với phương pháp luận chắc chắn và các số liệu được chuẩn hóa để đi đến kết luận trong lĩnh vực này.”