Theo BS Vương Thế Bích Thanh, bệnh ngoài da vào mùa mưa lũ là thường niên. Cứ từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị da tại bệnh viện đều tăng cao hơn so với các tháng khác.
Những ngày qua số bệnh nhân khám viêm da tại các bệnh viện TP HCM tăng cao, bác sĩ cho rằng mưa gió, nước ngập do triều cường tạo điều kiện vi khuẩn, vi nấm phát triển gây bệnh về da.
“Sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, vi nấm hoặc một số hóa chất trong môi trường ẩm thấp làm làn da rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm dẫn tới những bệnh ngoài da”, BS Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM nói và cho biết bệnh da thường gặp mùa này là viêm nang lông, viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng, ghẻ…
Như anh Nhân (ngụ Đồng Nai) đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám do ba ngày qua các kẽ chân anh chi chít mụn nước, bờ nổi gồ, có những nốt đã khô tróc vảy. Anh cho rằng tuần trước Đồng Nai mưa nhiều ngập nước, triều cường, anh phải lội nước dầm mưa nên bị viêm nhiễm.
Trước đây anh Nhân từng dầm mưa, da cũng ngứa, đỏ nhưng chưa từng nặng như hiện tại. Các vết đỏ gồ lan rộng dần và ngứa đến mức anh ngủ không được, chưa kể da bị tổn thương do gãi, đã có dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ nhận định anh bị nấm kẽ chân do tiếp xúc nước bẩn nhiều ngày.
Tương tự, gia đình chị Liên, ở Bình Dương, khám ở bệnh viện da liễu và đang ngồi đợi lấy thuốc. Vợ chồng chị và con trai có những dấu thương tổn đỏ, bong vảy da, xuất hiện mụn nước, nốt và sần đóng vảy ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nếp gấp cổ tay và lòng bàn tay.
“Con nhỏ nên ngứa, khó chịu, quấy khóc liên tục, vợ chồng luôn phải mặc quần dài áo rộng để che, cứ tưởng dị ứng da vì trước đây chưa từng bị như vậy”, chị Liên chia sẻ. Bác sĩ chẩn đoán cả nhà chị Liên bị bệnh ghẻ do tiếp xúc nguồn nước mưa và vật dụng nhiễm khuẩn. Được bác sĩ kê thuốc uống và bôi, đến nay cả nhà chị Liên đã đỡ nhưng vẫn còn ngứa nhiều vào ban đêm, đến tái khám.
Trường hợp khác là anh An, ở TP HCM, đến Bệnh viện Đại học YDdược TP HCM khám do viêm lỗ chân lông. Mấy hôm nay trời mưa, đến đoạn ngập sâu là xe chết máy, anh phải lội nước dắt bộ. Về nhà anh ngứa chân nhưng không để ý. Dần dần vị trí lỗ chân lông xuất hiện các nốt mụn nhỏ màu đỏ, sau đó sưng đỏ và có mủ trắng ở đầu gây ngứa, rát nhiều hơn.
Anh dùng kim chích các nốt mủ ra, bệnh không giảm mà da còn trông “ghê” và ngứa, rát hơn, mua thuốc về bôi cũng bớt nên đi khám. “Đến bệnh viện mới biết nhiều người cũng bị viêm da giống mình, đến viện điều trị sớm nên tình trạng nhẹ hơn tôi”, anh An nói.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, rất nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng da đỏ và tăng sắc tố, các mảng đỏ xuất hiện thành vệt và đường kèm mụn mủ trông như hoại tử.
Bác sĩ Vương Thế Bích Thanh, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng có thể người bệnh đã bị viêm da ánh sáng thực vật. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân đi trên đường bị nước mưa đọng trên lá cây rơi xuống hoặc lá cây trực tiếp rơi xuống mang theo nhiều vi khuẩn, tạp chất bám lên da.
Các vùng da đó sau khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây viêm và xuất hiện triệu chứng như các bệnh nhân trên gặp phải. Các vệt đỏ, mụn mủ không nguy hiểm, có thể tự giới hạn trong vài ngày nhưng lại dễ lây lan sang các vùng da khác hoặc lây sang người thân nếu có tiếp xúc da. Chưa kể, các triệu chứng này thường gây hoang mang, khó chịu và mất thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh ngoài da vào mùa mưa lũ là thường niên. Cứ từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị da tại bệnh viện đều tăng cao hơn so với các tháng khác. “Mùa mưa, ngập lụt kéo dài, trong dòng nước ngập mà chúng ta tiếp xúc không chỉ có vi khuẩn, tạp chất mà còn rác, chất xả, chất thải trong các cống rãnh cũng dâng lên theo, môi trường ô nhiễm dễ gây bệnh”, bác sĩ Thanh giải thích.
Một số bệnh như rôm sảy hay mụn có thể tự khỏi nếu chăm sóc, vệ sinh tốt. Còn lại, đa số bệnh về da cần được điều trị bằng thuốc uống và thoa. Những bệnh như nổi mề đay, viêm da do nhiễm khuẩn, nếu kéo dài và diễn tiến nặng thì cần phải điều trị sớm, tránh lây lan sang người thân trong nhà.
Để phòng các bệnh ngoài da mùa mưa lũ, các bác sĩ khuyến cáo người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường khi nước rút; tìm kiếm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Khi buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay… Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, nên tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người đặc biệt là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Không mặc quần áo ẩm ướt dễ gây các bệnh ngoài da.
Khi có các dấu hiệu bất thường trên da, bác sĩ khuyên đến viện khám và điều trị kịp thời. Tránh để lâu bệnh diễn tiến nặng gây tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử da. Không nên tự sử dụng thuốc uống, bôi và các phương pháp dân gian điều trị tại nhà.
Các tỉnh phía Nam đang trong đợt triều cường đạt đỉnh và kéo dài, gây ngập lụt hàng loạt tuyến đường, nhà cửa ở TP HCM, làm sạt lở nhiều đoạn tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang… Hiện nay, nhiều khu vực miền Nam mưa lớn kéo dài, triều cường vẫn tiếp tục dâng cao.
Trong khi đó, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua gây ra đợt ngập lụt lịch sử ở thành phố Đà Nẵng. Khu vực miền Trung đang tiếp tục đứng trước nguy cơ lũ quét, sạt lỡ và sụt lún. Dự báo từ nay đến cuối năm, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập, có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực này.