Với công nghệ mới giúp điều trị u mạch máu an toàn hơn, mang lại hiệu quả cao, hạn chế tái phát và ít biến chứng. Một trong những ca bệnh điển hình vừa được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là trường hợp của bé trai 3 tuổi, khi khối u mạch máu trên trán của bé đã giảm đến 90% về kích thước và màu sắc.
PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, u mạch máu (hemangioma) là bệnh rất khó điều trị, liệu trình kéo dài khiến nhiều người mệt mỏi và bỏ cuộc. Đây là một bất thường bẩm sinh, xuất hiện sớm sau sinh, chủ yếu ở mặt, da đầu, ngực, hoặc lưng.
U mạch máu xuất hiện ở 3% trẻ lúc mới sinh và 10% trẻ trong vòng 1 năm đầu tiên với tỉ lệ trẻ nữ gấp 3 lần trẻ nam. Ở trẻ sinh non, tỉ lệ u mạch máu là 22-30%. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước, u mạch máu có thể bị biến dạng, thậm chí có thể gây ra hậu quả bất thường về chức năng cơ thể khi vị trí ở hệ thống thần kinh trung ương hoặc cột sống.
“Hiện nay, với việc ứng dụng công nghệ laser Vbeam Perfecta tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các trường hợp đều ghi nhận cải thiện rõ rệt cả về diện tích lẫn màu sắc của u mạch ngay sau lần điều trị đầu tiên. Đồng thời, bệnh nhân sẽ hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn” – PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh cho biết.
Chia sẻ về những ca bệnh thành công khi điều trị bằng công nghệ laser mới, chuyên gia dẫn chứng trường hợp của bé N.V.S. (3 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với khối u máu xuất hiện từ khi 4 tháng tuổi, kích thước lớn dần từ đầu đũa đến 4cm, điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhi được áp dụng liệu pháp điều trị kết hợp công nghệ laser mới và bôi thuốc đặc hiệu.
Chuyên gia thông tin, bé S. đã được điều trị bằng kỹ thuật này 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Thuốc bôi được sử dụng hằng ngày nhằm kiểm soát sự phát triển của khối u. Liệu pháp kết hợp này đã đưa đến kết quả khối u mạch máu trên trán của bé S. giảm đến 90% về kích thước và màu sắc. Bé S. sẽ duy trì tái khám định kỳ trong thời gian tới để đánh giá tình trạng của khối u.
Bên cạnh u mạch máu, công nghệ này còn được ứng dụng hiệu quả trong trị liệu các tổn thương/ vấn đề mạch máu khác như bớt rượu vang đỏ (Port Wine Stain), trứng cá đỏ, giãn mao mạch, u mạch, hồ tĩnh mạch, đỏ da, thương tổn sắc tố, rạn da, trẻ hóa da, xóa nếp nhăn, sẹo phì đại và sẹo mụn…
Tại buổi lễ công bố còn có sự tham dự của Giáo sư Richard Rox Anderson – Chuyên ngành da liễu Trường Đại học Harvard nhằm trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và chuyển giao kỹ thuật, giúp các bác sĩ Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cập nhật về công nghệ laser trong điều trị mạch máu.