1. Khái niệm
Mesotherapy (Liệu pháp Meso) là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, sử dụng những mũi kim siêu nhỏ để đưa thuốc và dung dịch vào trong hoặc dưới da. Các chất được sử dụng có thể bao gồm hormone, enzyme, chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng…
2. Lịch sử phát triển
– Phương pháp sử dụng kim để giảm bệnh tật đã có từ rất lâu, khoảng năm 400 trước Công Nguyên, khi người ta dùng gai xương rồng để giảm đau vai. Người Trung Quốc đã sử dụng châm cứu từ khoảng 2000 năm trước. Đến thế kỷ 19, kim có lỗ đã được phát minh và sử dụng để tiêm các chất điều trị.
– Liệu pháp meso là một kỹ thuật y học được phát triển từ năm 1952 bởi bác sĩ người Pháp nổi tiếng, Michel Pistor, để điều trị cơn đau và rối loạn mạch máu. Đến năm 1958, Pistor đã giới thiệu thuật ngữ “Liệu pháp meso” trong một tạp chí y học địa phương để mô tả kỹ thuật này. Năm 1964, Pistor thành lập Hiệp hội Liệu pháp meso Pháp và mở rộng kỹ thuật này để điều trị các bệnh thông thường, thẩm mỹ và cả trong ngành thú y. Năm 1987, Học viện Y khoa Hàn lâm Pháp chính thức thừa nhận liệu pháp meso là một chuyên khoa y học.
– Cho đến nay, liệu pháp mesotherapy đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, Nam Mỹ và một phần châu Á, với các chỉ định chính như trẻ hóa, làm trắng sáng da, tan mỡ, thon gọn cơ thể và điều trị rụng tóc.
3. Cơ chế tác dụng
– Tác động cơ học của mũi kim hoặc áp lực nén xuyên qua da xuống trung bì lưới ở các vị trí khác nhau trên cơ thể tạo ra các vết thương nhỏ, từ đó kích thích cơ thể huy động các tế bào tái tạo và làm lành vết thương. Nguyên bào sợi sẽ tăng sản sinh collagen, sợi chun, tăng tuần hoàn, và sản sinh acid hyaluronic giúp trẻ hóa, làm đầy và giảm nếp nhăn, sẹo lõm trên da.
– Tác động sinh hóa của sản phẩm hoặc thuốc được sử dụng trong quá trình trị liệu.
Ưu điểm:
– Ít đau
– Ít tụ máu và bầm máu
– Thuốc hấp thu từ từ và có tác dụng tại chỗ trong thời gian dài
– Không để lại sẹo
– Thiết bị không đắt tiền, đào tạo ngắn ngày
– Thuốc tác động trực tiếp vào vùng điều trị, giảm liều lượng thuốc và tác dụng nhanh chóng, không cần nằm viện
4. Ứng dụng lâm sàng của Mesotherapy
a) Chỉ định trong da liễu:
Trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa, mesotherapy được ứng dụng chủ yếu để:
- – Điều trị tan mỡ khu trú, giúp thon gọn cơ thể.
- – Trẻ hóa da và làm săn chắc.
- – Điều trị các trường hợp tăng sắc tố.
- – Kích thích mọc tóc trong trường hợp rụng tóc.
- – Cải thiện rạn da.
- – Tạo đường nét cơ thể.
Bên cạnh đó, mesotherapy cũng được sử dụng kết hợp để điều trị nhiều bệnh lý da khác như mụn trứng cá, bạch biến, giãn mạch và điều trị sẹo.
b) Chống chỉ định điều trị:
- – Dị ứng.
- – Bệnh béo phì (BMI trên 30).
- – Trẻ dưới 16 tuổi.
- – Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- – Đái tháo đường phụ thuộc insulin.
- – Tiền sử tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, rối loạn chức năng tim, rối loạn nhịp tim.
- – Bệnh tự miễn hoặc người suy giảm miễn dịch như ghép tạng, AIDS.
- – Tiền sử ung thư mới.
- – Rối loạn chức năng gan, thận.
- – Tiền sử tắc mạch phổi.
- – Động kinh.
- – Nguy cơ chảy máu như khi dùng thuốc chống đông (aspirin, warfarin, heparin) hoặc bệnh chảy máu.
5. Biến chứng thường gặp
– Biến chứng tại chỗ:
+ Đau, chảy máu, bầm tím, đỏ nhẹ hoặc vừa phải, sưng nhẹ, bong da, vết xước nhỏ, chứng da vẽ nổi.
+ Hiếm gặp như: dị ứng, khởi phát herpes tái phát, rối loạn sắc tố, hoại tử, u hạt, sẹo lồi, nhiễm khuẩn, mày đay sắc tố, u hạt hình nhẫn, viêm mô mỡ, u hạt không nhiễm khuẩn, rụng tóc.
– Biến chứng toàn thân: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phản ứng dị ứng, ngất, lo lắng, run, đánh trống ngực, chuột rút, độc gan hoặc thoái hóa myelin thần kinh do sử dụng trên diện rộng phosphatidylcholine, nhiễm trùng: HIV, viêm gan.
6. Kết luận
Mesotherapy là một phương pháp thẩm mỹ và y học có lịch sử phát triển lâu đời, bắt nguồn từ những năm 1950 bởi bác sĩ người Pháp Michel Pistor. Được công nhận là một chuyên khoa y học từ năm 1987, mesotherapy đã chứng minh hiệu quả và ứng dụng rộng rãi trong điều trị thẩm mỹ như trẻ hóa da, tan mỡ, kích thích mọc tóc và điều trị các vấn đề da liễu khác.
Phương pháp này hoạt động qua cơ chế tác động cơ học của kim và tác động sinh hóa của các chất được tiêm, mang lại nhiều ưu điểm như ít đau, không để lại sẹo và có tác dụng tại chỗ lâu dài. Tuy nhiên, việc áp dụng mesotherapy cần phải tuân thủ các chỉ định và chống chỉ định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Biến chứng có thể gặp phải nhưng đa phần là nhẹ và có thể kiểm soát được, đặc biệt khi được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Với những tiến bộ không ngừng trong y học, mesotherapy hứa hẹn tiếp tục là một phương pháp quan trọng trong lĩnh vực thẩm mỹ và điều trị da liễu.
ThS.BS. Tạ Quốc Hưng