Ung thư da đầu là một loại ung thư phát triển trên da đầu, thường xuất hiện dưới dạng các nốt sần, vảy hoặc vết loét. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể lan rộng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về bệnh ung thư da đầu nhằm phòng ngừa và phát hiện sớm, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Ung thư da đầu là gì?
Ung thư da đầu thuộc nhóm bệnh ung thư da, đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của tế bào biểu mô tại khu vực da đầu. Các dấu hiệu lâm sàng của ung thư da đầu thường bao gồm các khối u, vùng da sần sùi, biến đổi sắc tố da hoặc tình trạng viêm loét.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảnh giác với ung thư da đầu. Bệnh tiến triển nhanh chóng và có khả năng cao di căn đến não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do khối u ác tính ở da đầu, đặc biệt là vùng da đầu và cổ, cao hơn nhiều so với các vị trí khác trên cơ thể.
Một thách thức trong điều trị ung thư da đầu là việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Do bị tóc che khuất, người bệnh thường khó nhận biết các dấu hiệu bất thường trên da đầu. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dù tỷ lệ mắc ung thư da đầu tương đối thấp, nhưng mức độ nguy hiểm và tỷ lệ tử vong lại cao gấp 2 lần so với nhiều loại ung thư khác.
Các giai đoạn ung thư da đầu
Ung thư da đầu được chia thành 4 giai đoạn tiến triển như sau:
- Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2cm, chưa xâm lấn sang các vùng lân cận.
- Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn, có thể lên đến 5cm, hoặc nhỏ hơn 2cm nhưng đã thâm nhiễm bì. Giai đoạn này vẫn chưa có dấu hiệu di căn.
- Giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước 5cm hoặc nhỏ hơn nhưng xâm lấn sâu vào trung bì. Ngoài ra, khối u ở bất kỳ kích thước nào kèm theo di căn hạch cũng được xếp vào giai đoạn này.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, vùng da và các cơ quan khác trong cơ thể như xương, sụn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư da đầu
Dấu hiệu ung thư da đầu
Ung thư da đầu có thể biểu hiện dưới 3 dạng chính là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy hoặc u hắc tố. Dấu hiệu nhận biết ung thư tế bào đáy và tế bào vảy bao gồm:
- Xuất hiện các cục u nổi cộm, có màu hồng đỏ hoặc trắng đục, cảm giác cứng khi sờ vào.
- Vùng da bị biến đổi màu sắc bất thường (như đỏ, hồng, nâu, đen, tím,…), có thể nhẵn bóng hoặc thô ráp, đóng vảy và thường có ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh.
- Khu vực da có khối u, vùng da đổi màu kèm theo cảm giác ngứa ngáy, đau rát, chảy máu hoặc loét dai dẳng không lành.
Đối với u hắc tố, việc phát hiện sớm có thể dựa vào quy tắc ABCDE:
- A (Asymmetry – Bất đối xứng): U hắc tố lành tính thường đối xứng (có hình tròn, bầu dục), trong khi u ác tính thường bất đối xứng.
- B (Border – Bờ tổn thương): Bờ của u hắc tố ác tính thường lồi lõm, không đều, khác với bờ mịn của u lành tính.
- C (Color – Màu sắc): U hắc tố ác tính thường có màu sắc không đồng nhất (chỗ đậm, chỗ nhạt bất thường) trên cùng một vùng, có thể thấy các sắc tố đỏ, tím, nâu trên nền đen.
- D (Diameter – Đường kính): Các khối u hắc tố ác tính thường có đường kính vượt quá 6mm.
- E (Evolution – Tiến triển): U hắc tố ác tính có sự thay đổi về màu sắc và độ lớn (thường là tăng lên) theo thời gian.
Triệu chứng ung thư da đầu
Ung thư da đầu thường biểu hiện các triệu chứng tương đối rõ ràng, giúp phân biệt với các dạng ung thư khác. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:
- Da đầu xuất hiện những nốt sần nhỏ, bề mặt gồ ghề.
- Tình trạng gàu gia tăng, thường là gàu ẩm, dính hoặc bã nhờn dư thừa trên tóc.
- Tóc rụng với số lượng nhiều bất thường.
- Cảm giác ngứa dai dẳng ở da đầu, không thuyên giảm sau khi gội rửa.
- Sự phát triển nhanh chóng của các khối u với viền loét, lan rộng trên da. Ung thư có khả năng xâm nhập sâu hơn, dẫn đến nhiễm trùng và biến dạng hộp sọ.
- Trong trường hợp di căn, ung thư da đầu có thể ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết ở vùng cổ, trước và sau tai, dưới hàm hoặc vùng chẩm. Các hạch này thường cứng, kích thước lớn, có thể kết thành cụm hoặc riêng lẻ, di động hoặc cố định.
Các dạng ung thư da đầu
Ung thư da tồn tại dưới nhiều hình thức, trong đó ba loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal Cell Carcinoma – BCC), ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous Cell Carcinoma – SCC) và ung thư hắc tố (melanoma). Một số dạng ung thư da hiếm gặp hơn bao gồm sarcoma Kaposi và ung thư tế bào Merkel.
Ung thư tế bào đáy
Ung thư tế bào đáy là loại ung thư da phổ biến nhất, chiếm gần 80% các trường hợp ung thư da được chẩn đoán. Ước tính mỗi năm có khoảng 3,6 triệu ca ung thư tế bào đáy chỉ riêng tại Mỹ. Loại ung thư này thường phát triển chậm và có tiên lượng tốt, với hầu hết bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn và không gặp biến chứng lâu dài. Các khối ung thư bắt nguồn từ lớp tế bào đáy của da – nơi chịu trách nhiệm sản sinh các tế bào da mới.
Ung thư tế bào đáy có thể biểu hiện dưới 3 dạng chính:
- Dạng nốt (chiếm khoảng 60%): Đây là dạng phổ biến nhất, thường xuất hiện dưới dạng một nốt nhỏ, sưng lên, có màu hồng, đỏ hoặc trong mờ, cảm giác cứng khi sờ vào. Nốt này có thể bị loét hoặc đóng vảy ở giữa.
- Dạng bề mặt (chiếm khoảng 30%): Dạng này biểu hiện thành một mảng da đổi màu, có màu hồng, đỏ hoặc nâu, với ranh giới rõ ràng. Nó có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác như vảy nến hoặc viêm da.
- Dạng thâm nhiễm (chiếm 5-10%): Dạng này trông giống như một vết sẹo với bề mặt phẳng, ranh giới không rõ ràng và thường có màu hồng nhạt. Nó có thể xâm nhập sâu hơn vào da và ảnh hưởng đến các dây thần kinh.
Ung thư tế bào vảy
Ung thư tế bào vảy bắt nguồn từ các tế bào vảy nằm ở lớp ngoài cùng của da, được gọi là biểu bì (thượng bì). Nó là dạng ung thư da phổ thứ 2, chiếm khoảng 20% tổng số ca bệnh. Ước tính có khoảng 1 triệu người ở Mỹ đang sống chung với ung thư tế bào vảy. Các triệu chứng của ung thư tế bào vảy trên da đầu thường tương tự như ung thư tế bào đáy và có khả năng hồi phục cao nếu bệnh được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Ung thư hắc tố
Ung thư hắc tố, hay melanoma, khởi phát từ các tế bào melanocyte, chịu trách nhiệm sản sinh melanin (sắc tố quyết định màu da, tóc, mắt) để bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV). Vì vậy, những người có làn da sẫm màu tự nhiên (như người châu Á, người Hispanic) ít có nguy cơ mắc các bệnh lý da liên quan đến tia UV hơn người da trắng.
Ung thư hắc tố được xem là nguy hiểm hơn ung thư tế bào đáy và tế bào vảy do đặc tính phát triển nhanh và khả năng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm vẫn mang lại cơ hội chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư da đầu
Ung thư da đầu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó một số nguyên nhân chính là:
- Lạm dụng hóa chất làm tóc: Các hóa chất độc hại trong thuốc nhuộm, thuốc tẩy, thuốc uốn, duỗi, hấp tóc và các sản phẩm chăm sóc tóc khác nếu tiếp xúc thường xuyên với da đầu trong thời gian dài có thể gây tổn thương da, thậm chí hình thành khối u ác tính.
- Tia tử ngoại (UV): Việc da đầu liên tục tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt trong một khoảng thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư da đầu.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc ung thư da đầu cũng tăng lên ở những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý di truyền như hội chứng Torres, hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi, bệnh xơ da nhiễm sắc, hội chứng Gardner,…
Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư da đầu?
Một số nhóm người có nguy cơ mắc ung thư da đầu hơn những người khác, bao gồm:
- Những người có làn da sáng: Những người có làn da trắng, tóc và mắt sáng màu, đặc biệt là những người có nhiều tàn nhang, dễ bị tổn thương bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ ung thư da đầu. Các nghiên cứu cho thấy người có sắc tố da trắng dễ bị ung thư da hơn so với người có nguồn gốc Phi, Á hoặc Mỹ Latinh.
- Số lượng nốt ruồi: Càng nhiều nốt ruồi (hay còn gọi là u hắc tố) trên cơ thể, nguy cơ phát triển ung thư da đầu càng cao.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại: Chẳng hạn như bức xạ mặt trời, các chất hóa học, tia phóng xạ,…
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu: Ví dụ như bệnh nhân HIV hoặc người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật cấy ghép nội tạng. Nhóm người này có nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy cao hơn 65-250 lần và ung thư tế bào đáy cao hơn 10 lần so với người bình thường.
- Người có yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư, hoặc mang một số đột biến gen nhất định như CDKN2A, BAP1, và MC1R, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư da đầu sống được bao lâu?
Mốc thời gian 5 năm thường được sử dụng để ước tính khả năng sống sót của người bệnh ung thư. Vượt qua mốc này thường được xem là thành công trong điều trị. Đặc biệt, ung thư da có tỷ lệ sống sót sau 5 năm, thậm chí là 10 năm rất lớn.
Dữ liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho thấy tỷ lệ sống sót trung bình của bệnh nhân ung thư hắc tố da xấp xỉ 94%, phân theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn khu trú (tại chỗ): Khả năng sống sót gần như tuyệt đối 100%.
- Giai đoạn khối u lan ra các khu vực lân cận: Tỷ lệ sống sót là 74%.
- Giai đoạn ung thư đã di căn xa: Tỷ lệ sống sót là 35%.
Theo thông tin từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), tỷ lệ bệnh nhân ung thư hắc tố da sống sót trên 5 năm được ghi nhận như sau:
- Giai đoạn I: Gần 100%
- Giai đoạn II: 85%.
- Giai đoạn III: 75%.
- Giai đoạn IV: Nhờ những tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch, 45%-55% bệnh nhân có thể sống hơn 6,5 năm.
Thống kê tại Anh cho thấy 93% người bệnh ung thư da vẫn còn sống sau 10 năm kể từ khi được chẩn đoán. Điều này cho thấy khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư da đầu khá lớn nếu bệnh được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Cách chẩn đoán bệnh ung thư da đầu
Để chẩn đoán bệnh ung thư da đầu, bác sĩ sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh lý và đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, các xét nghiệm sau đây có thể được chỉ định:
Kiểm tra mô bệnh học (Sinh thiết da): Đây là bước quan trọng nhất để chẩn đoán ung thư. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu da từ khu vực bị tổn thương, sau đó dựa vào vị trí, kích thước, màu sắc, đặc điểm của khối u,… để áp dụng kỹ thuật lấy mẫu phù hợp:
- Sinh thiết Ellipse: Cắt bỏ tổn thương theoo hình thoi hoặc bầu dục, bao gồm cả vùng da lành xung quanh (diện cắt).
- Sinh thiết bấm: Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu mô bằng cách bấm một lỗ nhỏ trên vùng da tổn thương, có thể thực hiện nhiều lần nếu tổn thương lớn.
- Sinh thiết cạo: Lấy một phần da bằng cách cạo, có thể cạo nông (lớp thượng bì) hoặc cạo sâu (bao gồm cả lớp thượng và trung bì).
Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Được sử dụng khi nghi ngờ ung thư đã di căn đến các cơ quan khác, giúp tầm soát toàn bộ cơ thể.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh rõ nét về các mô mềm, đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá tổn thương ở não và hệ thần kinh, cũng như xác định mức độ xâm lấn của khối u.
- Chụp PET-CT: Phương pháp này kết hợp CT và chụp phát xạ positron (PET) để định vị chính xác các ổ ung thư trong cơ thể, đặc biệt hiệu quả khi CT hoặc MRI không cho kết quả rõ ràng.
Xét nghiệm máu: Việc đo lường nồng độ Lactate Dehydrogenase (LDH), một loại protein có trong hầu hết các tế bào, có thể cung cấp thông tin về khả năng di căn của khối u, mặc dù không phải lúc nào cũng chính xác. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm máu khác như công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận,… để đánh giá sức khỏe tổng quát.
Cách điều trị ung thư da đầu
Ung thư da đầu là một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng có nhiều phương pháp điều trị khả thi tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và sức khỏe tổng quát của người bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thiết kế phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân với các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, và liệu pháp nhắm trúng đích. Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư da đầu, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số phương thức điều trị ung thư da đầu thường được áp dụng:
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ khối u thường được áp dụng cho ung thư ở giai đoạn sớm, với tỷ lệ thành công cao (đến 90%) và khả năng tái phát thấp. Bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn khối u và một phần mô xung quanh để đảm bảo loại bỏ tận gốc tế bào ung thư.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn, phạm vi của khối u. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được gây mê an toàn. Phương pháp này hiệu quả trong việc loại bỏ ung thư giai đoạn đầu, nhưng khó áp dụng cho khối u lớn, lan rộng hoặc ở vị trí khó tiếp cận.
Hóa trị
Đối với ung thư giai đoạn tiến triển, khi khối u đã lan rộng và di căn gây khó khăn cho phẫu thuật thì biện pháp hóa trị thường được chỉ định. Bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch các loại thuốc hóa trị đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư, kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra các tác dụng phụ như tổn thương da và phát ban, đồng thời chi phí điều trị cũng khá cao.
Xạ trị
Với việc sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, xạ trị đặc biệt hiệu quả trong điều trị ung thư da đầu tế bào đáy. Phương pháp này giúp kiểm soát khối u và giảm nguy cơ tái phát. So với phẫu thuật, xạ trị ít xâm lấn hơn. Còn với hóa trị, xạ trị tác động cục bộ hơn, giảm thiểu tác dụng phụ toàn thân. Tuy nhiên, chi phí xạ trị cũng khá cao và có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số loại ung thư khác như ung thư tế bào gai.
Liệu pháp miễn dịch
Đây là phương pháp điều trị tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn. Một số loại thuốc miễn dịch thường được sử dụng bao gồm Imiquimod, Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab, và Ipilimumab. Các bác sĩ có thể kết hợp nhiều loại thuốc để tối ưu hiệu quả điều trị.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Phương pháp này sử dụng các loại thuốc đặc hiệu nhắm tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Các loại thuốc ức chế BRAF (Vemurafenib, Dabrafenib), ức chế MEK (Trametinib, Cobimetinib) và ức chế KIT (Imatinib, Dasatinib) thường được sử dụng trong điều trị ung thư hắc tố da.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư da đầu
Phòng ngừa ung thư da đầu là điều hoàn toàn có thể thực hiện được bằng cách áp dụng những biện pháp đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số cách hiệu quả:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều: Khi ra ngoài, hãy đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay và đeo kính râm để bảo vệ da.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên: Thoa kem sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi đổ nhiều mồ hôi, đi bơi, tắm rửa,…
- Hạn chế sử dụng hóa chất cho tóc: Ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và ít hóa chất độc hại.
- Thường xuyên tự kiểm tra da đầu: Chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đến gặp bác sĩ nếu cần.
- Khám sức khỏe định kỳ: Việc này giúp phát hiện sớm ung thư và các bệnh lý khác.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều rau củ quả và trái cây nhiều chất xơ, vitamin, giàu chất chống oxy hóa để tăng cường sức đề kháng cho da. Đồng thời hạn chế đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị.
- Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia.
- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên: Điều này góp phần quan trọng vào lối sống lành mạnh.
Trên đây là những thông tin mà bạn cần biết về bệnh ung thư da đầu, từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến phương pháp điều trị. Ung thư da đầu mặc dù có thể nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Bạn hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa như che chắn kỹ khi ra nắng và sử dụng kem chống nắng. Đừng chần chừ, hãy chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân ngay hôm nay.