Người bệnh mắc viêm tuyến mồ hôi mủ thường bị ngứa, nhất là vùng da có nếp gấp hoặc ở vùng da hay cọ xát với nhau (vùng cổ, vùng bẹn, vùng nách, nếp dưới vú, vùng mông). Đây là những vùng da có tuyến mồ hôi dầu nhiều hơn những vùng da khác.
Triệu chứng khác của bệnh có thể còn gồm nổi mụn đỏ tại vùng bị ngứa như dị ứng. Vận động nhiều, đổ mồ hôi, tình trạng da càng trở nên nghiêm trọng. Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh viêm da mạn tính, thường xảy ra ở vị trí mà tuyến mồ hôi tiết ra.
Nếu không được điều trị, các mụn nhỏ có thể biến thành nốt sần to đơn độc hoặc nhiều nốt sần, mưng mủ, nhiễm trùng, gây đau nhức, lở loét; khả năng vận động bị hạn chế.
BSCKII Vương Thế Bích Thanh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện ĐH Y Dược, cho biết: “Viêm mồ hôi mủ hay viêm tuyến mồ hôi mủ hoặc bệnh trứng cá đảo ngược là tình trạng viêm da mạn tính của tuyến mồ hôi. Bệnh có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và có nguy cơ tái phát.”
Tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh da tự viêm, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ.