Mụn, chính xác hơn là mụn trứng cá, là “kẻ thù truyền kiếp” cho nhan sắc của phái đẹp, tuy có thể trị khỏi song vẫn dễ dàng để lại “vô vàn vết thâm”. Để giúp chị em trị mụn hiệu quả, không để lại vết thâm mụn, các chuyên gia da liễu, thẩm mỹ da vừa cập nhật một số bí quyết đơn giản đã được thực hiện thành công.
Cơ chế hình thành mụn trứng cá
Theo Viện hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (AAD), mụn trứng cá bắt đầu hình thành khi chất bã nhờn, vi khuẩn và tế bào da chết và chất bẩn kết hợp với nhau trên da, gây bít tắc lỗ chân lông tạo thành nhân trứng cá.
Đôi khi, vi khuẩn Cutibacterium acnes (hay Propionibacteria acnes gọi tắt là ‘P. acnes’) cũng bị mắc kẹt trong lỗ chân lông. Khi vi khuẩn P. acnes phát triển quá mức trong nang lông bị tắc này sẽ gây viêm nhiễm, phát sinh sẩn viêm, mụn mủ và sang thương nặng như nốt, nang. Mụn trứng cá thường phổ biến nhất ở thanh thiếu niên mặc dù bệnh lý này cũng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
Ngoài nguyên nhân nói trên còn có lý do khác như hoạt động quá mức của hormone androgen, tăng tiết chất nhờn hơn so với nhu cầu của da. Do di truyền, nếu một hoặc cả hai cha mẹ bị mụn trứng cá, con cái cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá kéo dài cho đến khi trưởng thành.
Riêng phụ nữ khi chu kỳ kinh nguyệt đến, thời gian mang thai, thường là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhóm mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang… cũng dễ bị mụn trứng cá.
Do các nhóm thuốc tránh thai, thuốc có chứa corticosteroid, testosterone hoặc lithium… Do chế độ ăn uống, do căng thẳng, lo lắng, do vệ sinh kém, do tổn thương da, do hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, do mỹ phẩm…
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, sự hiện diện của mụn có thể gây mặc cảm, và để lại vết thâm mụn do tăng sắc tố sau viêm, làm mất cân bằng melanin khiến da mặt kém mịn màng và không đều màu.
Nguyên nhân chính gây ra vết thâm mụn rất đa dạng, chủ yếu là do điều trị mụn quá muộn, mụn tái phát nhiều lần, do vệ sinh kém, do cách chăm sóc và dùng thuốc trị mụn không đúng cách dẫn đến tình trạng viêm kéo dài và để lại các vết tăng sắc tố sau viêm.
Bí quyết trị mụn trứng cá hiệu quả
Để điều trị mụn trứng cá hiệu quả, trước tiên cần hiểu rõ cơ chế hình thành mụn ở mỗi người. Để có một làn da khỏe mạnh, sạch mụn cần vệ sinh da thường xuyên và đúng cách, xây dựng một chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây, uống đủ nước; đồng thời cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu và hạn chế sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá.
Nếu mụn trứng cá nghiêm trọng, cần phải khám chuyên khoa da liễu để sớm được chỉ định các loại thuốc đặc trị. Cách trị mụn trứng cá không dùng thuốc rất đa dạng như chủ động lấy nhân mụn cồi đầu đen, đầu trắng theo quy trình chặt chẽ, vô khuẩn.
Nếu lấy sai cách như khi mụn đang viêm, dùng các dụng cụ không được tiệt trùng, dùng tay hoặc khi lấy nhân mụn dùng lực mạnh sẽ làm tình trạng mụn nặng hơn và làm tăng nguy cơ bị sẹo thâm, sẹo rỗ. Chữa trị sẹo rỗ thường mất nhiều thời gian, chi phí và hầu như rất khó để đạt được 100%.
Không nặn mụn trứng cá khi mụn đang bị viêm, tấy đỏ: Đa số bệnh nhân mụn đều thích lấy nhân mụn, tuy nhiên nên lưu ý rằng việc lấy nhân mụn không đúng cách sẽ dễ phản tác dụng, để lại sẹo xấu trên da.
Chiếu ánh sáng sinh học giúp làm biến đổi porphyrin của vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn P. acnes gây mụn, với ánh sáng đỏ giúp tăng cường lưu thông máu đến nuôi dưỡng da, tác động sâu hơn ở lớp bì, kích thích các sợi mô liên kết tăng sinh qua đó ngăn ngừa sẹo do mụn để lại. Tùy tình trạng mụn có thể kết hợp ánh sáng xanh hoặc ánh sáng đỏ để đem lại hiệu quả cao.
Đắp mặt nạ dưỡng da: Có tác dụng giảm viêm, làm sạch sâu các lỗ chân lông, tạo độ thông thoáng trên bề mặt. Người có cơ địa da nhờn nên sử dụng mặt nạ giảm nhờn, hút nhờn trong và sau điều trị, các loại mặt nạ này rất đa dạng như mặt nạ hỗn hợp nghệ tươi với mật ong, mặt nạ hỗn hợp chanh với nha đam, mặt nạ khoai tây…
Lăn kim nông bằng máy giúp loại bỏ các tế bào sừng già, loại bỏ các nhân sừng gây bít tắc vùng phễu nang lông, tạo đường dẫn đưa các dưỡng chất vào sâu bên trong da, qua đó giúp kích thích tái tạo lớp tế bào da mới mịn mượt hơn và góp phần loại bỏ mụn cồi đầu đen và đầu trắng.
Tẩy tế bào chết: Phù hợp với người có cơ địa da dày sừng và da nhờn, nên lưu ý về bước tẩy tế bào chết trong quy trình chăm sóc da và không được lạm dụng.
Tái tạo da bằng dược chất: Phương pháp này sử dụng các sản phẩm hóa học như Glycolic acid, Mandelic acid, Trichloroacetic acid (TCA), salicylic acid, retinol… để làm bong lớp tế bào chết trên da kết hợp giảm nhờn, hỗ trợ điều trị mụn và làm sáng da. Nếu chỉ bị mụn nhẹ có thể sử dụng phương pháp tái tạo này mà không cần không cần thuốc uống, thuốc thoa.
Có thể kết hợp sử dụng sản phẩm trị mụn tại nhà như sữa rửa mặt làm sạch da và trị mụn, kem thoa mụn viêm, mụn đầu đen, kem dưỡng kiểm soát nhờn…
Nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da để chọn được các sản phẩm uy tín, nguồn gốc rõ ràng, có thành phần trị mụn và phù hợp với từng loại da, tình trạng da.