Ghẻ là căn bệnh ngoài da khá gần gũi và quen thuộc, xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, đến nay vẫn chưa được thanh toán triệt để. Tuy bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như những người xung quanh.
Nguồn gốc bệnh ghẻ
Ghẻ hay cái ghẻ (scabies, gale), tên khoa học là Sarcoptes scabiei, là động vật chân đốt có kích thước rất nhỏ mà nếu bằng mắt thường không thể nhìn thấy được, chúng chuyên ‘đào hang’ để ký sinh trên da người và động vật, gây ra bệnh ghẻ. Ghẻ cái có rất nhiều loài khác nhau , có loài gây bệnh ở người, có loại gây bệnh ở súc vật như ngựa, cừu, dê, lợn, chó, mèo, thỏ, chuột v.v…Tuy nhiên ghẻ cái gây bệnh ghẻ cho súc vật có thể truyền bệnh cho người.
Việc khám phá ra cái ghẻ vào năm 1687 đã đánh dấu bệnh ghẻ trở thành bệnh trên người đầu tiên mà khoa học hiểu được nguyên nhân. Thế kỷ 18, nhà sinh vật học người Ý Diacinto Cestoni phát hiện thấy bệnh ghẻ là do Sarcoptes scabiei, giống hominis gây ra.
Bệnh gây ngứa dữ dội khi cái ghẻ đào hang vào lớp sừng (stratum corneum) và đẻ trứng trong đó. Ấu trùng nở sau ba đến 10 ngày, di chuyển trên da, chuyển sang giai đoạn nhộng rồi sau đó thành cái ghẻ trưởng thành.
Bệnh ghẻ tồn tại hơn 2500 năm, đến nay ước tính có khoảng 300 triệu trường hợp trên toàn thế giới bị bệnh mỗi năm. Nó thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu nước sinh hoạt hoặc những nước kém phát triển, điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém….
Vì đâu sinh ra bệnh ghẻ?
Là một bệnh da khá phổ biến, thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, chật chội, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh và những người xung quanh, gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận, chàm hoá…
Thủ phạm gây bệnh là ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei giống hominis gây ra. Cái ghẻ có hình bầu dục, kích thước 0,25 mm đường kính. Chúng có cấu trúc gồm 08 chân, 02 đôi chân trước có ống giác, , 2 đôi chân sau có lông tơ, phần đầu có vòi hút thức ăn đồng thời để đào hầm để ký sinh. Chu kỳ toàn bộ cuộc sống cái ghẻ kéo dài 30 ngày nếu chúng ký sinh ở lớp sừng ở thượng bì.
Ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất, dễ lây truyền nhất, vì ngứa phải gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu….Mỗi ngày ghẻ cái đẻ 1-5 trứng, sau 72-96 giờ trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác sau 5-6 lần thành cái ghẻ trưởng thành. Khoảng <10% kết quả trứng đậu thành cái ghẻ trưởng thành. Cái ghẻ sẽ chết sau khi rời vật chủ 4 ngày
Chẩn đoán, chữa trị và phòng ngừa
Chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng như ngứa, thường là về ban đêm, nổi mụn nước ở những vùng da non, mọc riêng lẻ, không thành chùm. Dựa vào tổn thương ở các vị trí đặc hiệu như lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, mu tay, bờ trước nách, quanh rốn, mông,..
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh ghẻ là tìm thấy cái ghẻ. Tuy nhiên không phải khi nào cũng tìm thấy cái ghẻ và các sản phẩm của chúng do vậy chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng , cận lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng. Dựa vào dịch tễ như gia đình, tập thể nhiều người bị ghẻ, xét nghiệm máu phát hiện thấy IgE tăng cao. Chẩn đoán phân biệt bệnh với các loại bệnh da khác như tổ đỉa, viêm da cơ địa, nấm da…
Nguyên tắc chung về điều trị là điều trị đồng thời tất cả mọi người trong gia đình, tập thể, nhà trẻ… nếu phát hiện thấy đều bị bệnh. Cách trị bệnh ghẻ ở người tương đối dễ dàng, chỉ cần diệt hết cái ghẻ và phòng tránh không bị tái nhiễm bằng cách sớm nhận biết triệu chứng, sau đó điều trị ngăn ngừa ngay tình trạng sinh sôi, phát triển của sarcoptes scabiei
Do mức độ sinh sản và phát triển của chúng khá nhanh, nên tốc độ lây lan khá nhanh, lúc này việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn. Thông thường, thời gian bệnh tái phát sau điều trị sẽ rơi vào khoảng 3 tuần. Đây là thời gian trung bình để trứng ghẻ sót lại trên da nở thành ấu trùng và phát triển thành ghẻ trưởng thành, hoặc lây lan cái ghẻ từ người xung quanh. Do đó bắt buộc điều trị phải tuân thủ đúng phương pháp điều trị
Có rất nhiều biện pháp để điều trị bệnh ghẻ, tiêu diệt cái ghẻ và đều cho đáp ứng tốt, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng đôi khi cũng cần điều trị đợt hai cách một thời gian sau đó khoảng từ 2 – 7 ngày để chắc chắn điều trị dứt điểm bệnh ghẻ này..
Điều trị theo tập thể nếu trường hợp bệnh nhân sống trong môi trường có đông thành viên. Sử dụng thuốc bôi ngoài da, dạng xịt, uống theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc bôi có thể sử dụng liên tục nhiều lần, nên vệ sinh da thật sạch trước khi bôi thuốc trực tiếp lên vùng da cần điều trị.
Thuốc có thể phải sử dụng liên tục 2 tuần, dù cơn ngứa đã qua đi nhưng người bệnh được khuyến cáo tiếp tục bôi để phòng tránh tình trạng sót lại trứng cái ghẻ và tăng nguy cơ tái nhiễm. Người bệnh hạn chế việc kỳ, chà xát, gãi vùng da đang bị ghẻ giúp ngăn ngừa nguy cơ da bị nhiễm trùng.
Bên cạnh điều trị, người bệnh nên chú ý vệ sinh sạch sẽ không gian sống, dụng cụ cá nhân, quần áo, khăn màn… để loại bỏ tuyệt đối ký sinh trùng. Hạn chế sử dụng chung đồ dùng với người khác, cách ly bản thân khi mắc bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.