Viêm da mủ nói chung và viêm da mủ ở đầu là bệnh lý da liễu khá phổ biến. Mặc dù hiếm khi gây nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị đúng cách có thể gây các biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.
Viêm da mủ là bệnh gì?
Bình thường trên da có rất nhiều tạp khuẩn, phần lớn là tụ cầu và liên cầu, tập trung ở những vùng nhiều lông, các nếp kẽ, nếp gấp trên da. Khi cơ thể suy yếu, vệ sinh kém làm các vi khuẩn này có cơ hội tăng sinh và phát triển. Bên cạnh đó, việc ma sát, cào gãi sẽ tạo những thương tổn da tạo đường vào cho vi khuẩn gây ra bệnh viêm da mủ.
Triệu chứng viêm da mủ
Khi mắc bệnh này, những nốt mụn mủ nhiễm trùng, thường có đường kính khoảng vài millimet, nổi trên nền da đỏ. Những nốt mụn mủ này thường nông, dễ vỡ và có khả năng lây lan sang vùng da lân cận. Chúng có thể mọc riêng lẻ hoặc thành từng cụm. Khi vỡ ra sẽ rỉ dịch, đóng mài màu vàng mật ong.
Viêm da mủ ở đầu, nguy hiểm không?
Viêm da mủ ở đầu là một tình trạng bệnh da liễu do vi khuẩn gây nên, thường xảy ra trong thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiều ô nhiễm… Một số yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da mủ ở đầu phát triển như:
- Thói quen nhổ tóc nhưng không vệ sinh tay hoặc dụng cụ nhổ tóc trước khi sử dụng
- Cào gãi da đầu
- Không giặt giũ chăn gối thường xuyên, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và gây hại
Dấu hiệu nhận biết viêm da mủ ở đầu
Đặc trưng ban đầu của căn bệnh này là tình trạng xuất hiện các nốt mụn nhỏ trên da đầu. Thông thường, các nốt mụn sẽ mọc đơn lẻ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, các nốt mụn sẽ mọc thành từng cụm, kích thước ngày càng lớn, tích tụ mủ, có thể vỡ mủ tạo vết trợt rỉ dịch mủ, đau.
Điều trị viêm da mủ như thế nào?
Điều trị viêm da mủ không chỉ giải quyết triệu chứng nhiễm khuẩn tại chỗ ngoài da mà còn cần chú ý đến nâng cao sức đề kháng của cơ thể và làn da, nhất là đối với trường hợp viêm da mủ tái phát.
Tùy thuộc vào tình trạng viêm da mủ ở đầu hay viêm da mủ mà có những cách điều trị khác nhau nhưng nhìn chung, để bệnh chóng khỏi, người bệnh cần lưu ý:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dù là thuốc bôi ngoài da hay thuốc uống… Không bôi, đắp các loại lá thuốc không rõ nguồn gốc nhằm tránh nhiễm trùng
- Giữ vệ sinh cơ thể đặc biệt là vùng da bị tổn thương để vi khuẩn không có cơ hội sinh sôi, phát triển
- Không ma sát, cào gãi, làm vỡ mụn mủ
- Mặc quần áo thoáng mát nhằm giữ thông thoáng lỗ chân lông
- Dinh dưỡng lành mạnh: Tăng cường rau xanh, uống nhiều nước… giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Hạn chế những thực phẩm có thể gây kích ứng như cay nóng, nhiều dầu mỡ…
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, kể cả dầu gội hay sữa tắm để tránh kích ứng da