Thông thường, một người khỏe mạnh có thể có 50 đến 100 sợi tóc rụng mỗi ngày , được thay thế bằng những sợi tóc mới. Nếu tóc rụng trên 100 sợi, nghĩa là bạn đã mắc bệnh rụng tóc. Bài viết dưới đây đề cập chủ đề này, giúp chúng ta tham khảo nhằm chăm sóc tóc tốt hơn.
Bệnh rụng tóc là gì?
Rụng tóc là một chứng rối loạn gây ra bởi sự gián đoạn trong chu kỳ sản xuất tóc của cơ thể. Rụng tóc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ảnh hưởng đến da đầu. Chúng có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.
Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), bình thường mỗi ngày có khoảng 50 – 100 sợi tóc rụng trên da đầu và được thay bằng số lượng chân tóc mới. Quá trình này sẽ trở nên bất thường khi số lượng tóc rụng vượt quá mức độ bình thường
Giống như các bộ phận khác của cơ thể, lông tóc trên cơ thể, đặc biệt là tóc đều phát triển theo một chu kỳ khép kín nhưng gián đoạn. Từ mọc tóc gọi là anagen cho đến catagen (ngừng lại) rồi đến pha nghỉ (telogen). Thời gian của các pha phụ thuộc vào các yếu tố cục bộ và di truyền để giúp lông tóc tồn tại, đảm nhận chức năng vốn có:
Giai đoạn Anagen (tăng trưởng): Giai đoạn hoạt động để tạo ra sợi tóc và giai đoạn này thường kéo dài từ ba đến bảy năm.
Giai đoạn catagen (chuyển tiếp): Bắt đầu với sự kết thúc của giai đoạn anagen Trong giai đoạn này, lông ngừng phát triển và tách ra khỏi nang lông có thể kéo dài vài tuần, nang tóc sẽ trải qua quá trình thoái triển và mất đi khoảng 1/6 đường kính tiêu chuẩn của nó.
Giai đoạn Telogen (nghỉ ngơi): Tóc cũ rụng đi và tóc mới bắt đầu mọc ra từ cùng một nang tóc. Khoảng 10% đến 15% tất cả các sợi lông trên cơ thể đang trong giai đoạn nghỉ ngơi này vào bất kỳ thời điểm nào Điều này kéo dài từ ba đến bốn tháng.
Khi tóc rụng quá nhiều, rụng thành từng mảng khiến da bị lộ, bị hói hoặc tóc mọc lại nhưng thưa và xơ xác. Đặc biệt hơn, khi tóc rụng lại kèm theo hiện tượng da bong tróc, ngứa hoặc nổi mẩn.
Rụng tóc cũng rất đa dạng, được phân theo hình thái và nguyên nhân. Gồm một số dạng chính như rụng tóc không sẹo (non scaring alopecia), rụng tóc có sẹo (scarring alopecia), rụng tóc thành từng mảng (alopecia areata), rụng tóc androgen di truyền (androgenetic alopecia), rụng tóc telogen (telogen effluvium, telogen defluvium), rụng tóc anagen (anagen effluvium), rụng tóc do giang mai, do tật nhổ tóc (trichotillomania) và rụng tóc do nấm (Tinea Capitis)….
Vì sao lại mắc bệnh rụng tóc?
Theo Quỹ Giáo dục & Nghiên cứu Y khoa Mayo Mỹ (MCO), rụng tóc có thể do thói xấu trong sinh hoạt mà người trong cuộc không để ý hoặc do lý do khách quan.
Do tác động ngoại lai như uốn duỗi tóc, nhuộm, tẩy màu… Đặc biệt là chất tẩy nhuộm cùng với nhiệt độ cao của các loại máy làm tóc sẽ phá vỡ cấu trúc ban đầu của tóc, làm gãy liên kết và lớp vảy keratin gây ra tình trạng tóc khô xơ và gãy rụng nhiều. Nếu sẹo có thể xảy ra, rụng tóc có thể là vĩnh viễn
Do stress: Nếu trong môi trường căng thẳng, sợ hãi sẽ tác động lên hệ thần kinh và làm rối loạn hệ miễn dịch, gây rụng tóc. Nhiều người gặp tình trạng tóc mỏng đi vài tháng sau một cú sốc về thể chất hoặc cảm xúc. Đây có thể coi là loại rụng tóc tạm thời.
Do hormone: Nếu mất cân bằng nội tiết tố, nhất là ở phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh hay các vấn đề về tuyến giáp. Ngoài ra khi đến tuổi lão hóa, nội tiết tố estrogen (ở nữ giới) và testosteron (ở nam giới) suy giảm cũng sẽ dẫn đến tình trạng khô xơ, gãy rụng ở tóc
Do thuốc và thực phẩm chức năng : Rụng tóc có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như những loại thuốc được sử dụng cho bệnh ung thư, viêm khớp, trầm cảm, các vấn đề về tim, bệnh gút và huyết áp cao.
Bệnh da liễu như: Nấm tóc, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống… cũng gây ảnh hưởng đến cấu trúc của tóc, làm bít tắc lỗ chân lông ngăn cản việc tóc mọc lại dẫn đến việc rụng tóc, nghiêm trọng hơn là hói đầu.
Tiền sử gia đình (tính di truyền). Nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc là một tình trạng di truyền xảy ra kết hợp cùng với quá trình lão hóa. Tình trạng này được gọi là rụng tóc nội tiết tố nam, hói đầu kiểu nam và hói đầu kiểu nữ
Chẩn đoán, chữa trị thế nào?
Trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ khám sức khỏe chung, hỏi về chế độ ăn uống, thói quen chăm sóc tóc cũng như tiền sử bệnh tật và gia đình của bạn. Bác sĩ cho làm xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc như: Xét nghiệm máu, sinh thiết da đầu có thể giúp xác định liệu nhiễm trùng có gây rụng tóc hay không và ngoài ra có thể dùng kính hiển vi ánh sáng để kiểm tra các rối loạn có thể của từng sợi tóc.
Về điều trị, nếu tình trạng rụng tóc là do bệnh lý có từ trước, việc điều trị bệnh đó là rất cần thiết. Nếu đang dùng loại thuốc nào đó gây rụng tóc, bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong vài tháng. Với một số tình trạng, chẳng hạn như rụng tóc từng mảng, tóc có thể mọc lại mà không cần điều trị trong vòng một năm.
Một số thuốc điều trị chứng rụng tóc di truyền gồm:
Minoxidil (Rogaine) có chế phẩm dạng lỏng, bọt hoặc dầu gội. Để giúp đạt hiệu quả cao nhất cho điều trị người ta thường thoa sản phẩm lên da đầu ngày 1 lần đối với nữ và 2 lần/ngày đối với nam.
Thuốc Finasteride (Propecia) dùng cho nam giới với liều hàng ngày một viên, có tác dụng làm tóc rụng chậm lại và một số có thể thấy tóc mới mọc lên. Và chúng không hiệu quả đối với bệnh nhân nam giới trên 60 tuổi.
Các loại thuốc uống khác bao gồm: Spironolactone (Carospir, Aldactone) và dutasteride uống (Avodart).
Ngoài ra có thể phẫu thuật cấy tóc, liệu pháp laser…. để điều trị chứng rụng tóc di truyền và có tác dụng lâu dài.
Cơ quan Quản lý Thực Dược phẩm Mỹ – FDA đã công nhận loại laser mức độ thấp được coi như là một phương pháp điều trị chứng rụng tóc di truyền ở nam giới và phụ nữ
Đối xử “thân thiện” với mái tóc
Tránh các phương pháp điều trị “hà khắc” với tóc như: lăn nóng, máy uốn tóc, dầu nóng, thuốc nhuộm và hóa chất. Hạn chế độ căng trên tóc từ các kiểu dùng dây chun, kẹp tóc và bím tóc.
Bảo vệ tóc khỏi ánh nắng mặt trời và các nguồn tia cực tím khác, tránh xa khói thuốc lá. Giữ tinh thần thoải mái, giảm thiểu căng thẳng bằng cách tạo ra một môi trường sống xanh, làm việc và nghỉ ngơi khoa học.
Ngoài ra, tăng cường cuộc sống vận động, ăn uống lành mạnh đủ chất để nuôi dưỡng tóc, chăm sóc tóc khỏe, phát triển tốt, chủ yếu bổ sung thực phẩm giàu Vitamin nhóm B và Biotin như rau xanh, trái cây và các loại hạt…
Rụng tóc sẽ khiến bạn tự ti với vẻ ngoài của mình. Do đó để hạn chế tình trạng trên, chúng ta nên tìm hiểu và chăm sóc mái tóc thật cẩn thận. Nếu như tình trạng rụng tóc vẫn tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng, chúng ta nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất.