Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma), gọi tắt SCC là dạng ung thư da phổ biến thứ hai và tỉ lệ mắc mới ngày càng gia tăng. Nguy cơ SCC trong đời là 9-14% ở nam giới và 4 – 9% ở nữ giới, và thường gặp ở tuổi trung niên. Đột biến của gene TP53 được cho là nguyên nhân mắc SCC. Dày sừng quang hoá làm tăng nguy cơ xuất hiện SCC mặc dù tỉ lệ chuyển dạng là thấp.
Đôi nét về ung thư biểu mô tế bào vảy
Tuýp da là yếu tố quan trọng nhất liên quan tới SCC vì nguy cơ tăng lên 80 lần ở những người có týp da sáng màu so với người da tối màu. Trong số những ca SCC ở người da đậm màu thì có tới 30-40% là xuất hiện trên sẹo cũ hoặc vết loét mạn tính không lành.
Nhiều yếu tố khác có liên quan tới SCC bao gồm tia UV, cấy ghép tạng, xạ trị, hút thuốc lá, nhiễm HPV, phơi nhiễm với Arsen, dầu khoáng, hắc ín, vết thương mạn tính không lành, HIV,…
Mặc dù SCC có thể xuất hiện trên bất cứ vùng da nào kể cả niêm mạc, những vị trí thường gặp nhất là vùng phơi bày ánh sáng như đầu, cổ, cánh tay, bàn tay. Biểu hiện thường gặp là sẩn cục hồng ban tới hồng nhạt trên những vùng tiếp xúc bị tổn thương bởi ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, tổn thương thường đa dạng giữa các nhóm địa dư và dưới nhóm của u. Tổn thương có thể tiến triển chậm hoặc phát triển rất nhanh.
Tỷ lệ di căn khoảng 4% và vị trí di căn phổ biến nhất là hạch vùng nhưng di căn xa cũng được báo cáo. Nguy cơ di căn cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt ghép tạng đặc, tổn thương cơ bản ở miệng, hoặc ở các vùng không phơi bày ánh sáng.
Một số đặc điểm dùng để xếp loại nguy cơ cao của SCC gồm độ sâu tổn thương trên 2mm, kích thước trên 2cm, bờ không rõ, vị trí tổn thương nằm ở vùng có tổn thương trước đó như bỏng hoặc xạ trị hoặc viêm mạn tính, vùng giải phẫu đặc biệt (lưỡi, chậu, dương vật), tiền sử suy giảm miễn dịch, biệt hoá kém hoặc trung bình trên mô bệnh học,… Những đặc điểm này giúp lựa chọn phương pháp điều trị với nguy cơ tái phát thấp. Phẫu thuật Mohs là loại phẫu thuật tiêu chuẩn và ít tái phát.
SCC có triệu chứng gì?
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ sẩn hoặc cục tăng sừng có thể loét, nhưng cũng có thể trơn láng dạng mảng, nhô cao hoặc dạng nhú. Màu sắc thay đổi từ hồng ban đến màu da nhưng sắc tố có thể thay đổi. Tổn thương thứ phát như vảy, vảy tiết, vết trợt và có thể có loét. Sang thương có thể tiến triển nhanh hoặc chậm, có thể có đau hoặc tăng nhạy cảm. Nếu có đau hoặc dị cảm là do có tổn thương thần kinh.
Các vùng da khác của người bệnh thường có tình trạng lão hoá do ánh sáng như nếp nhăn, dày sừng ánh sáng, hoặc đốm nâu. Do SCC vẫn có nguy cơ di căn xa do vậy cần phải thăm khám hạch vùng, và khám toàn thân định kì vì người bệnh có nguy cơ cao các bệnh lí da ác tính khác.
Điều trị SCC
Lựa chọn phương pháp điều trị phải dựa vào đặc điểm và vị trí của u, tỉ lệ tái phát và mong muốn của người bệnh. Tình trạng của người bệnh cũng là một yếu tố phải được cân nhắc trong phương pháp điều trị và liên quan tới tỉ lệ tái phát. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, điều trị bảo tồn có thể đăt ra đối với người già cao tuổi.
Phẫu thuật là điều trị chính trong hầu hết trường hợp SCC, bao gồm phẫu thuật cắt thông thường, phẫu thuật Mohs và nạo và đốt bằng máy đốt điện. Phẫu thuật cắt thông thường với bờ vết cắt cách bờ ngoài sang thương 4-6mm, sâu đến mô mỡ giữa dưới da được xem là lựa chọn đầu tay cho các u nguy cơ thấp.
Phẫu thuật Mohs có thể được chỉ định để thay thế ở những ca u nguy cơ cao, trên vùng đòi hỏi tính thẩm mỹ vì cần bảo tồn mô tối đa và nguy cơ tái phát phải thấp. Phẫu thuật Moh được đánh giá là mang lại tỉ lệ tái phát thấp khi so sánh với phẫu thuật cắt thông thường và điều trị không phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật được đặt ra với những khối u nguy cơ thấp, hoặc bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn hoặc điều kiện để phẫu thuật và tất nhiên là tỉ lệ tái phát sẽ cao hơn bao gồm xạ trị và hoá trị trong tổn thương.
Phòng tránh SCC
Do SCC liên quan đến tiếp xúc với tia cực tím (UV) nên cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Giảm thiểu các hoạt động ngoài trời từ 10 giờ đến 16 giờ khi trời nắng to, tránh tắm nắng và sử dụng giường tắm nắng. Sử dụng quần áo bảo hộ dài tay, quần dài và mũ rộng, mang kính râm.
Sử dụng kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài nắng và lặp lại mỗi 2 tiếng. Cũng nên bảo vệ làn da trong mùa đông cũng vì tia UV giai đoạn này vẫn cao. Khám bệnh, kiểm tra làn da định kỳ nếu phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường.