Theo báo cáo của Tổ chức Hoạt động vì Môi trường EWG, khoảng 75% sản phẩm được đánh giá có khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời kém và chứa các thành phần có thể gây hại.
Hướng dẫn sử dụng kem chống nắng hàng năm lần thứ 16 của EWG đánh giá hiệu quả của hơn 1.850 sản phẩm như kem chống nắng, kem dưỡng ẩm và son dưỡng môi có SPF. Hướng dẫn được tạo ra để giúp người tiêu dùng chọn được sản phẩm an toàn và có khả năng bảo vệ tốt nhất.
Theo công bố, một phần tư sản phẩm được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn EWG về khả năng bảo vệ đầy đủ và không chứa các thành phần có thể gây hại, chẳng hạn như oxybenzone, một hóa chất có khả năng gây rối loạn hormone đã được báo cáo.
Tác giả nghiên cứu TS. David Andrews cho biết: “Hầu hết các sản phẩm mà chúng tôi đã thử nghiệm đều giảm bức xạ UV chỉ bằng một nửa những gì chúng tôi mong đợi khi nhìn vào chỉ số SPF trên nhãn”.
Nghiên cứu cho thấy kem chống nắng không có hiệu quả tương xứng với chỉ số trên nhãn dán, đặc biệt là trong việc chống lại tia UVA. Các quy định hiện hành cho phép tăng giá trị SPF nhưng khả năng bảo vệ khỏi tia UVA kém khiến cho người tiêu dùng dễ bị phơi nhiễm với ánh nắng có hại.
Ngoài việc tránh các thành phần như oxybenzone, EWG cũng khuyến cáo tránh dùng kem chống nắng chứa retinyl palmitate, vì đã có nghiên cứu về mối liên hệ giữa thành phần này với các khối u và tổn thương da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Nên tránh hoàn toàn kem chống nắng dạng xịt do bảo vệ không đầy đủ và các nguy cơ hít phải.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm cũng phát hiện ra benzen, một chất gây ung thư, có trong các sản phẩm chống nắng dạng xịt.
Các loại kem chống nắng đạt điểm tốt nhất được báo cáo chứa zinc oxide, titanium dioxide hoặc cả hai. Hai thành phần chống nắng trên đều ít gây lo ngại về sức khỏe và mang lại hiệu quả bảo vệ cao đã được Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Nghiên cứu cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm kiếm kem chống nắng vật lý có chỉ số SPF từ 15 đến 50.