Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, có 170 trường hợp mắc bệnh vảy phấn hồng trên 100.000 người mỗi năm, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và chủng tộc nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 10 đến 35.
Một số tác giả nhận định thấy, sau khi nhiều người bỏ khẩu trang và cách ly, các trường hợp mắc bệnh vảy phấn hồng (PR) đã quay trở lại và nguyên nhân gây hồng ban vẫn chưa rõ, nhưng có thể có liên quan đến đại dịch COVID-19, khả năng làm nảy sinh về nguồn gốc của nó, nguyên nhân có thể lây lan qua các giọt bắn hô hấp hoặc nước bọt.
Khi các ca bệnh vảy phấn hồng bắt đầu biến mất, các nhà khoa học khác đã tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu toàn quốc gồm 3 triệu bệnh nhân với 5 tình trạng da để hiểu lý do tại sao.
Họ so sánh số trường hợp bệnh vảy phấn hồng với mụn trứng cá, viêm da dị ứng, vảy nến và lichen phẳng và nhận thấy có giảm đáng kể về mặt thống kê trong các trường hợp bệnh vảy phấn hồng, tuy nhiên không xảy ra với những trường hợp khác.
Các phát hiện cho thấy nguyên nhân gây ra bệnh vảy phấn hồng có thể là một tác nhân truyền nhiễm là virus. Một số bằng chứng đã chỉ ra virus herpes 6 và 7 ở người, được tìm thấy trong các tổn thương trên da và nước bọt của bệnh nhân.
Trước khi xảy ra đại dịch, có một số quan điểm của các chuyên gia rằng nguyên nhân của PR có thể là do một loại virus “đã được kích hoạt lại”. Điều này củng cố ý kiến cho rằng nguyên nhân là do virus herpes 6 và 7 ở người.
Nhiều người bị nhiễm hai virus trên khi còn nhỏ có thể gây đào ban, hồng ban bong vảy nhẹ trên da ở trẻ em, sau đó sẽ tồn tại trong cơ thể.
Tuy nhiên, nguyên nhân căng thẳng có thể gây ra bùng phát herpes và chính đại dịch gây ra những căng thẳng đáng kể, nhiều khả năng các ca bệnh đến từ những lần phơi nhiễm mới.
Một số nghiên cứu khác cho thấy mối liên quan vảy phấn hồng hoặc phát ban tương tự như bệnh vảy phấn hồng với việc tiếp xúc với virus corona hoặc vaccine kháng virus corona, có thể vaccine cũng là yếu tố có thể gây ra phát ban giống như vậy.
Chẩn đoán vảy phấn hồng có thể khó khăn
Bệnh vảy phấn hồng thường bắt đầu bằng sang thương vảy mỏng hình tròn hoặc hình bầu dục lớn, được gọi là mảng hình huy hiệu, có kích thước lớn bằng một inch, thường xuất hiện ở lưng hoặc ngực.
Trong vòng một hoặc hai tuần, hồng ban sẽ phát triển, thường ở thân, chân, cánh tay, bụng và vùng bẹn. Tuy nhiên, những biểu hiện không điển hình thường khiến việc chẩn đoán trở thành một thách thức.
Bệnh vảy phấn hồng có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh
Bệnh vảy phấn hồng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một bệnh nhân nam 64 tuổi, ở Rockville, đã có thời gian bị bệnh hơn hai tháng, triệu chứng cơ năng ngứa ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, đặc biệt là vào ban đêm.
Vảy phấn hồng khá lành tính, không lây nhiễm, thời gian biến mất sau vài tháng và có thể không quay trở lại. Tuy nhiên, nó gây lo lắng đáng kể cho những bệnh nhân không biết nó là gì hoặc nó đến từ đâu, bệnh nhân thường bị nhầm là mắc bệnh nấm da, ghẻ hoặc chàm.
Một bệnh nhân khác 60 tuổi ở D.C, lần đầu tiên nhận thấy hồng ban trên cơ thể mình cách đây hai tháng. Ban đầu nó giống như vết muỗi đốt bắt đầu từ bụng, sau đó lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Bệnh nhân ban đầu đến khám với suy nghĩ đó có thể là nấm ngoài da hoặc rệp giường đốt.
Trong một số trường hợp, hồng ban của vảy phấn hồng có thể để lại dát thâm, tăng sắc tố đáng kể trên da.
Nó là kết quả của tổn thương viêm đối với sắc tố da, chủ yếu ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt và cánh tay, và đặc biệt ảnh hưởng đến người da màu. Trong một số trường hợp, nó có thể là vĩnh viễn, nhưng phần nhiều sẽ tự khỏi, mặc dù phải mất rất nhiều thời gian, từ sáu đến chín tháng.
Biện pháp khắc phục
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, bệnh nhân đang mang thai bị vảy phấn hồng không nên tự ý điều trị, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị.
Kem bôi steroid theo toa có thể giúp giảm ngứa và chống viêm, làm dịu và làm sạch sang thương trên bệnh vảy phấn hồng. Thuốc kháng histamine có thể hạn chế triệu chứng cơ năng ngứa, hồng ban và bong vảy da.
Để hỗ trợ giảm tình trạng bệnh, người bệnh có thể lựa chọn sản phẩm tắm từ chiết xuất bột yến mạch để làm dịu da. Tuy nhiên, nên hạn chế tắm nước nóng có thể gây khô da, làm tăng khả năng ngứa và kích ứng da.
Ngoài ra, để làm tăng khả năng dịu da và giảm ngứa, bệnh nhân có thể sử dụng kem dưỡng ẩm giúp tăng cường hàng rào bảo vệ da và cũng nên tránh kem dưỡng ẩm có chứa calamine vì có tác dụng làm khô da.
Nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ và tránh xà phòng kháng khuẩn mạnh gây kích ứng trên da. Nên kết hợp sử dụng kem chống nắng khi tiếp xúc vùng da với ánh sáng mặt trời nhằm hạn chế nguy cơ tăng khả năng kích ứng và tăng sắc tố sau viêm.
Tài liệu tham khảo: https://www.washingtonpost.com/wellness/2023/06/13/pityriasis-rosea-pandemic-symptoms-remedies