Ngày càng nhiều người mắc phải bệnh chàm tai, do môi trường sống khiến tình trạng ngứa, nổi mụn nước và tróc vảy trên da ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài.
Chàm tai là một bệnh viêm da cơ địa xảy ra ở vùng tai. Bình thường với những vùng da khoẻ mạnh cơ thể con người sẽ có cơ chế bảo vệ làn da khi tiếp xúc với những môi trường khỏe mạnh.
Tuy nhiên, với những người bị bệnh chàm tai, làn da không được khoẻ mạnh, đột biến gene và tình trạng thiếu đi một loại protein nên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những môi trường xung quanh, dễ bị ứng hơn và từ đó dễ biểu hiện bị ngứa, tróc vảy, miễn dịch…
Bệnh chàm tai hiện nay chia ra làm 3 giai đoạn là cấp tính, bán cấp, mạn tính. Với giai đoạn cấp tính khu vực bị bệnh ngứa, xuất hiện các hạt nước nhỏ li ti nằm dưới da, bắt đầu vỡ ra và đóng vảy, nhiều người bị ảnh hưởng giấc ngủ về đêm.
Kế tiếp là giai đoạn bán cấp, những bệnh nhân ở giai đoạn này triệu chứng ít hơn, có thể tróc vảy, đỏ và ngứa nhiều về đêm. Giai đoạn mạn tính, da trở nên dày lên, đóng vảy nhiều. Tùy vào từng giai đoạn bác sĩ có những phương án điều trị phù hợp.
“Đây là bệnh được phát ra từ cơ thể của người bệnh, không phải bị phát bệnh từ những loại vi khuẩn, virus nên không có khả năng lây nhiễm cho người khác, nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và thẩm mỹ”, BS Vi Anh chia sẻ thêm.
Đối với bệnh chàm tai, ở những bệnh nhân không điều trị sẽ dẫn đến mạn tính, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhiều bệnh nhân hiện nay tự điều trị tại nhà, nếu không may sẽ bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khiến công tác điều trị phức tạp hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân có những biểu hiện liên quan trên, cần đến bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám đó có phải là bệnh chàm tai hay không, bệnh nhân đang ở giai đoạn nào, từ đó lựa chọn được đúng loại thuốc cần sử dụng.
“Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ được sử dụng những loại thuốc màu, giúp vết chàm nhanh khô. Trong những giai đoạn bệnh nhân bị ngứa nhiều có thể sử dụng những loại thuốc chứa corticoid làm dịu và giảm triệu chứng. Đối với những giai đoạn mạn tính, bệnh nhân sẽ được sử dụng những loại thuốc giảm tình trạng da bị sừng, cứng da. Cuối cùng là giữ ẩm liên tục để phục hồi da”, BS Vi Anh nhấn mạnh.