Zona thần kinh là căn bệnh ngoài da thường gặp, tuy không nguy hiểm nhưng lại làm giảm thẩm mỹ, và gây biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách. Bài viết dưới đây đề cập về chủ đề này giúp chúng ta cùng tham khảo, áp dụng.
Zona thần kinh là gì?
Đau thần kinh sau zona (Postherpetic neuralgia) là tình trạng phổ biến nhất sau khi bệnh zona. Tình trạng này ảnh hưởng đến các sợi thần kinh và da, gây đau rát kéo dài sau khi phát ban và mụn nước zona biến mất. Virus thủy đậu (varicella-zoster virus hay VZV) là thủ phạm chính.
Những người nhiễm virus này lúc còn nhỏ, khi hết bệnh, virus này vẫn không hết, chúng tồn tại trong các tế bào, hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Sau một thời gian dài, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch bị suy yếu, tinh thần chấn động, cơ thể suy nhược, virus sẽ có cơ hội tái phát thành bệnh zona.
Virus Zona nhân lên và lan truyền theo dây thần kinh, rồi bộc phát ở vùng da tương ứng với khu vực dây thần kinh đó, gây ra các phát ban đỏ rộp và đau đớn. Bệnh kéo dài từ khoảng 2 – 3 tuần, có thể tái phát lại, nhất là những người từng bị nhiễm virus này. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi tác và đến nay chưa có cách chữa trị, điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng.
- Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng
Như đã đề cập, virus này sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Nên khi bị Zona, các sợi thần kinh bị tổn thương, nó không thể gửi tin nhắn từ da đến não bình thường được. Thay vào đó, các thông điệp trở nên nhiễu loạn và phóng đại, tạo ra nỗi đau kinh niên, thường không thể chịu đựng được, kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus VZV, nó bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi, gây tổn thương dọc dây thần kinh. Ngoài tuổi tác, nhóm rủi ro cao gồm những người mắc bệnh mạn tính, như bệnh đái tháo đường, người luôn sống trong căng thẳng…
Khi phát bệnh, da nổi ban đỏ sau đó biến thành mụn nước theo từng chùm. Giai đoạn đầu, các mụn nước căng lên và có dịch trong. Sau vài ngày sẽ chuyển màu đục dần rồi hóa mủ. Cuối cùng vỡ ra, hình thành nên các vảy và bong dần sau khi khô, để lại sẹo lấm tấm màu trắng trên da. Điển hình của bệnh là đau bỏng rát, ù tai, nhức đầu, chóng mặt…, đôi khi còn gây sốt từ 38 – 39 độ C, rối loạn bài tiết mồ hôi…
Zona là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ người này sang người khác. Nếu tiếp xúc trực tiếp với mụn nước trên cơ thể người bệnh sẽ có khả năng bị lây nhiễm cao, nhất là nhóm chưa chủng ngừa vaccine thủy đậu và chưa bị bệnh thủy đậu, nguy cơ phát bệnh cao, sau khi lành bệnh có thể bị zona.
- Về điều trị
Khi có dấu hiệu phát bệnh, nên đi khám bác sĩ và điều trị càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ kiểm tra da xác định khu vực bị ảnh hưởng. Trong hầu hết các trường hợp, không cần xét nghiệm và cũng không có phác đồ điều trị chung cho tất cả mọi người.
Điều trị thường kết hợp các phương pháp điều trị để giảm đau. Trước tiên bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc chống virus để ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh. Nếu có tình trạng bội nhiễm thì dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn, kháng viêm, chống phù nề. Nếu đau kéo dài gây mất ngủ, có thể sử dụng thuốc giảm đau thần kinh, thuốc kháng histamin giảm ngứa. Thuốc tăng cường miễn dịch cũng được bác sĩ phối hợp dùng để nâng cao sức đề kháng.
Trong dân gian, người ta còn sử dụng một số loại lá dùng đun nước tắm, giúp các vết phỏng mau liền lại. Sử dụng các miếng dán da chứa thuốc giảm đau tại chỗ như miếng dán da capsaicin, dùng thuốc chống co giật như gabapentin (Gralise, Horizant, Neurontin) và pregabalin (Lyrica), có thể làm giảm cơn đau thần kinh zona.
- Về phòng bệnh, người bị zona nên kiêng ăn thực phẩm giàu chất béo, rượu bia, ngũ cốc tinh chế quá kỹ sẽ làm tăng lượng đường huyết, tăng nhiễm trùng và khiến cho vết phỏng lâu lành.
- Nên ăn thực phẩm giàu vitamin C và kẽm như cam, gan động vật, bơ… giúp tăng cường sức đề kháng.
- Sử dụng các thực phẩm giàu lysine có trong sữa, cá, các loại đậu, pho mát…
- Bổ sung vitamin B6, B12 để giúp các vết mụn nước nhanh chóng phục hồi.
- Giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.
- Tiêm phòng vaccine thủy đậu là cách tốt nhất để tăng sức đề kháng chống lại virus VZV.