Vảy nến là bệnh về da khá phổ biến hiện nay. Bệnh do hệ thống miễn dịch và di truyền nên hiện chưa có thuốc đặc trị, song hiểu để phòng tránh sẽ giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người trong cuộc.
Tổng quan về bệnh vảy nến
Thuật ngữ vảy nến (Psoriasis) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa, ngứa do da bị khô, bong tróc hoặc nứt nẻ và chảy máu. Căn bệnh liên quan đến di truyền và hệ thống miễn dịch, tức các tế bào bạch cầu tạo ra các phản ứng viêm trong cơ thể dẫn đến các tế bào da mới được tái tạo nhanh hơn bình thường, tạo ra những mảng da đỏ và các triệu chứng của vẩy nến.
Có tới 7 loại bệnh vảy nến, vảy nến mảng (Plaque Psoriasis), vảy nến giọt (Guttate Psoriasis), vảy nến mủ (Pustular Psoriasis), vảy nến đảo ngược (Inverse Psoriasis), vảy nến thể đỏ da toàn thân (Erythrodermic Psoriasis), vảy nến móng (Nail Psoriasis), viêm khớp vảy nến (Psoriatic Arthritis) …
Nói chung, các loại bệnh vảy nến hầu hết đều xuất phát từ các tác nhân giống nhau như stress, da bị tổn thương, do thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc trị sốt rét, Inderal, Quinidine, Indomethacin, do nhiễm trùng, dị ứng, chế độ ăn và do yếu tố ngoại lai thời tiết….
Bệnh vảy nến có thể gặp ở mọi đối tượng, giới tính, tuổi tác nhưng phổ biến trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi. Theo Liên đoàn Quốc tế bệnh Vảy nến (IFPA), có khoảng 3% dân số thế giới mắc bệnh này hoặc có các triệu chứng tương tự như vảy nến.
Triệu chứng phổ biến là các mảng da dày, đỏ, giới hạn rõ, có vảy bạc bao phủ ở trên gây ngứa hoặc cảm giác đau đớn. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, như mí mắt, tai, miệng, môi, nếp gấp da, tay và cả móng tay.
Điều trị vảy nến thể mảng
Trong 7 loại bệnh nói trên, vảy nến thể mảng (Plaque Psoriasis) phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp vảy nến. Đây là một tình trạng viêm da mạn tính, xuất phát từ những rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể làm tăng sinh tế bào da gây bong vảy, khô ngứa da.
Ngoài triệu chứng phổ biến gồm ngứa và đau, một số người bệnh có thể gặp các tổn thương khác bao gồm đỏ da và xuất hiện các vảy bạc ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Tuy hiếm nhưng đôi khi còn có thể xuất hiện bên trọng miệng hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh này có một số biến chứng nguy hiểm như biến chứng về thận, biến chứng nội tiết và chuyển hóa, biến chứng tim mạch, mắt và tác động mạnh tới tâm lý, tăng tự ti, trầm cảm.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh đến nay y học chưa hiểu hết một số nghiên cứu cho rằng, vảy nến thể mảng có liên quan đến gen và hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Do tiền sử sức khỏe như tổn thương da, nhiễm trùng da, cháy nắng, dùng thuốc, nhiễm trùng, căng thẳng, hút thuốc, lạm dụng rượu bia, bị béo phì…
Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ mang tính tình thế nhằm cải thiện triệu chứng, kiểm soát biến chứng và giảm tối đa tái phát. Các phương pháp hiện đang được áp dụng gồm dùng thuốc bôi gồm corticosteroid, vitamin D, vitamin A và anthralin. Thuốc uống gồm acitretin, cyclosporine và methotrexate.
Ngoài ra, có thể dùng nhóm thuốc sinh học dùng cho nhóm bị vảy nền vừa đến nặng để tác động lên hệ thống miễn dịch như Adalimumab (Humira), Brodalumab (Siliq), Etanercept (Enbrel), Guselkumab (Tremfya), Infliximab (Remicade)…
Tùy thuộc theo từng người mà có thể áp dụng các liệu pháp khác như liệu pháp ánh sáng, sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo để cải thiện các triệu chứng ngoài da, phù hợp trường hợp vảy nến mảng có kích thước lớn, lan rộng. Liệu pháp laser nhắm trực tiếp vào các tổn thương da để phá vỡ các mảng da bị vảy nến.
Một số bài thuốc dân gian được coi là an toàn, lành tính, hiệu quả như dùng giấm táo pha loãng giấm táo với nước sạch sau đó bôi lên vùng da bị vảy nến mảng để giảm các triệu chứng ngứa, khô, viêm, rát. Dùng lá trầu không đun sôi để nguội rồi ngâm chân, dùng nha đam (lô hội), nghệ vàng, lá lốt, vòi voi, muồng trâu, lược vàng… theo nhiều cách truyền thống khác nhau cũng phát huy tác dụng để làm giảm bệnh, dễ chịu.
Về phòng ngừa, nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh các tác nhân có thể kích hoạt hoặc các thực phẩm cay nóng như rượu, bia, cà phê, chất kích thích… Cần lưu ý thêm rằng, việc điều trị sai cách có thể khiến bệnh bùng phát nặng nề hơn.
Ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất, trọng tâm đến thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D, E, chất xơ, kẽm, omega 3…Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì… Chăm sóc làn da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc sử dụng bột yến mạch, muối Epsom… để làm dịu da, tăng độ ẩm tự nhiên và độ đàn hồi cho da.
Duy trì cuộc sống giảm stress, hạn chế cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, lo âu… Nên khám sức khỏe định kỳ để có can thiệp kịp thời, giảm bệnh bởi bệnh vảy nến là bệnh đôi khi phải sống chung với nó suốt đời.