Sử dụng sản phẩm lột, tẩy trắng da cấp tốc tại nhà có thể mang lại hiệu quả tức thời nhưng khiến da dễ kích ứng, làm bào mòn và suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Tẩy trắng da cấp tốc
Thảo, 25 tuổi, ở Bình Thạnh, chia sẻ trước đây luôn sử dụng các sản phẩm dưỡng da có nhãn hiệu uy tín, nhưng do công việc bận rộn, cô không duy trì sử dụng đều đặn khiến làn da sạm đi. Được người quen giới thiệu sử dụng kem tẩy trắng da cấp tốc, da sẽ trắng đẹp sau 1-2 tuần, Thảo liều mình mua về dùng thử.
Chỉ sau hai ngày, da của Thảo bắt đầu ngứa, rát và có dấu hiệu bong tróc. Đã ngưng sử dụng 6 tháng, làn da vẫn nhạy cảm, nổi nhiều mụn đỏ, phải điều trị bằng thuốc uống và bôi để cải thiện. Cô luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, cáu gắt.
Hiện da của Thảo đã cải thiện, song không còn khỏe đẹp như ban đầu. “Sau lần kinh hoàng đó, tôi không dám dùng các sản phẩm lột, tẩy trắng vô tội vạ nữa”, người phụ nữ nói.
Theo ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, các kem tẩy trắng da cấp tốc tại nhà thường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tháng trước, bác sĩ Nam cũng điều trị một bệnh nhân nữ 40 tuổi, bị sưng mặt, sẩn nhiều nốt đỏ lẫn chảy dịch vàng sau 7 ngày thoa kem tẩy trắng da cấp tốc.
Bác sĩ chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng, kê thuốc kháng viêm, kháng sinh bôi tại chỗ và thuốc chống dị ứng. Sau khi cải thiện thì được hướng dẫn chăm sóc, dưỡng ẩm da tại nhà để phục hồi.
Người bệnh cho biết mua lọ kem làm trắng da cấp tốc trên mạng, sau thoa thì ngứa và sẩn đỏ tại vùng da tiếp xúc. Liên hệ người bán, chị được trả lời “phản ứng bình thường, vài ngày là hết”. Tuy nhiên, vết sưng ngày càng rộng, rát ngứa.
“Sử dụng hóa chất để lột tẩy thực chất là bóc đi lớp sừng ngoài cùng và cả những nhân tố bảo vệ da”, bác sĩ Nam nói, thêm rằng bạn cảm thấy da trắng tức thì, nhưng lâu dần, da sẽ mỏng và yếu, bong tróc, nổi mụn, phát ban.”
Da bị tổn thương nặng vì loại mỹ phẩm được gọi là “kem trộn”
Các bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc có khoa da liễu – thẩm mỹ da đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp da bị tổn thương nặng do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được gọi là “kem trộn”.
Đa số loại này chứa thành phần nguy hại cho da như thủy ngân, corticoid, được người bán tự làm, tự trộn tại nhà hay các cơ sở nhỏ sản xuất. Giá bán đa dạng, từ vài chục nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, nhưng bác sĩ khuyến cáo “không có nghĩa sản phẩm giá cao độ an toàn cao”. Nhiều người thậm chí không biết mỹ phẩm đang dùng là “kem trộn”, cho đến khi xuất hiện tai biến da và đến bệnh viện khám.
Thành phần thủy ngân hay corticoid có tác dụng làm da đẹp lên nhanh chóng, theo bác sĩ Tú. Tuy nhiên, sau một thời gian dùng, da mỏng đi, nổi các mạch máu đỏ, xuất hiện các vết nám, mụn trứng cá; da cũng trở nên rất nhạy cảm, thường xuyên ngứa rát, châm chích… Ngưng thoa kem, những tổn thương da vẫn tiếp diễn. Bệnh nhân có hiện tượng “lệ thuộc kem trộn”, da sạm, mụn hoặc ngứa nhiều hơn khi ngừng sử dụng.
Thông thường, làn da bị tổn thương do lột tẩy có thể điều trị để hồi phục từ từ, tùy thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Phương pháp điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc giúp làm dịu da, giảm kích ứng, phục hồi hàng rào bảo vệ da. Khi da ổn định, bác sĩ có thể can thiệp bằng các thủ thuật khác như điện di, tiêm vi điểm dưỡng, laser factional giúp trẻ hóa, tăng sinh collagen hồi phục da… Thời gian điều trị thường kéo dài và nhiều trường hợp không thể hồi phục như ban đầu.
Các chuyên gia khuyến cáo chăm sóc làn da thường xuyên bằng dưỡng ẩm, vệ sinh, thoa kem chống nắng. Bổ sung trái cây, rau xanh, nước ép cung cấp vitamin. Không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, hạn chế thức ăn ngọt và nhiều dầu mỡ. Làm đẹp cần có thời gian, không đại tu nhan sắc cấp tốc và dùng dịch vụ kém chất lượng hoặc mua sản phẩm trôi nổi trên mạng. Nếu muốn tái tạo làn da, nên đến cơ sở y tế và thẩm mỹ uy tín để kiểm soát nồng độ acid phù hợp với từng loại da, từng loại bệnh lý, hạn chế tác dụng phụ.
Nguồn: https://vnexpress.net/hiem-hoa-khi-tu-lot-tay-trang-da-cap-toc-4634140.html