Lê Thảo Hiền*, Văn Thế Trung*
TÓM TẮT
Mở đầu: Trứng cá đỏ là bệnh da mạn tính với đặc điểm lâm sàng đa dạng. Sinh bệnh học của bệnh phức tạp, trong đó ký sinh trùng Demodex đóng một vai trò đáng kể.
Mục tiêu: Xác định đặc điểm lâm sàng và tình trạng nhiễm Demodex trên bệnh nhân trứng cá đỏ.
Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca trên bệnh nhân trứng cá đỏ đến khám tại bệnh viên Da Liễu TPHCM từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016. Chẩn đoán bệnh trứng cá đỏ dựa vào lâm sàng. Cạo da và soi tươi bệnh phẩm để tìm Demodex. Xác định nhiễm Demodex khi mật độ >5con/cm2 diện tích da.
Kết quả: 42 bệnh nhân trứng cá đỏ được chọn vào nghiên cứu. Tuổi khởi bệnh trung bình là 40,57 ± 1,59 tuổi. Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam (54,8% so với 45,2%). Môi trường nóng hoặc lạnh, tâm lý căng thẳng, ăn uống thức ăn cay nóng, không tránh nắng là các yếu tố làm nặng bệnh chiếm tỉ lệ cao (>50%). Tất cả bệnh nhân đều có thương tổn phân bố ở mặt, trong đó ưu thế ở mũi (92,9%) và má ( 85,7%). Các triệu chứng thường gặp nhất là đỏ bừng mặt, ngứa, nóng, dãn mạch, dãn lỗ chân lông, hồng ban trung tâm mặt (>50%). Có 23 bệnh nhân thể hồng ban dãn mạch (54,8%), 13 bệnh nhân thể sẩn mụn mủ (31%) và 6 bệnh nhân thể phì đại (14,2%). Tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ là 50%. Thể sẩn mụn mủ có tỉ lệ nhiễm Demodex cao nhất (76,9%). Tỷ lệ này cao hơn các thể khác có ý nghĩa thống kê (p=0,019).
Kết luận: Bệnh trứng cá đỏ thường gặp ở tuổi trung niên. Thương tổn phân bố chủ yếu ở mặt. Thể lâm sàng thường gặp là hồng ban dãn mạch và sẩn mụn mủ. Tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ khá cao, nhất là ở thể sẩn mụn mủ.
Từ khóa: Trứng cá đỏ, Demodex.
ABSTRACT
CLINICAL CHARACTERISTICS AND PREVALENCE OF DEMODEX MITES OF PATIENTS WITH ROSACEA AT HO CHI MINH CITY HOSPITAL OF DERMATO-VENEREOLOGY.
Le Thao Hien, Van The Trung * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 21 – No 1 – 2017: 9 – 15
Background: Rosacea is a chronic skin disease with various clinical characteristics. This disease has a complicated pathophysiology in which Demodex plays an important role.
Objectives: To determine the clinical characteristics and Demodex infestation status on patients with rosacea.
Method: We conducted a case series study of patients with rosacea at Ho Chi Minh City Hospital of Dermato-Venereology from October 2015 to May 2016. Diagnosis of rosacea was based on clinical findings. Skin scraping was used and Demodex mites were identified under microscope. Demodex infestation was recognized when the density of Demodex was more than 5 mites/cm2 of skin area.
Results: 42 patients with rosacea were included. The average age of onset was 40.57 ± 1.59. Rosacea affected women than men (54.8% versus 45.2%). Hot or cold temperature, emotions, hot drinks or spicy food, sunlight were triggers of this disease with high proportions (>50%). All of patients had lesions developing on the face, especially the nose (92.9%) and cheeks (85.7%). The most common signs and symptoms were flushing, itching, burning, stinging, enlarged pores, central facial erythema (>50%). There were 23 patients of erythematotelangiectatic rosacea (54.8%), 13 patients of papulopustular rosacea (31%) and 6 patients of phymatous rosacea (14.2%). Prevalence of Demodex mites of patients with rosacea was 50%. The ratio of Demodex infestation on patients with papulopustular rosacea was 76.9%. This ratio was significantly higher than that of patients with another subtypes of rosacea (p=0.019).
Conclusion: Rosacea patients were often middle – aged. Lesions mainly distributed on the face. The common subtypes of rosacea were erythematotelangiectatic rosacea and papulopustular rosacea. Prevalence of Demodex mites was relatively high in the patients with rosacea, especially with papulopustular subtype.
Keywords: Rosacea, Demodex.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trứng cá đỏ là một bệnh da mạn tính và khá thường gặp. Theo đánh giá của Hội Trứng Cá Đỏ của Mỹ thì bệnh này ảnh hưởng đến 14 triệu người Mỹ, ngoài ra bệnh còn có thể gặp ở người châu Á và châu Phi(16). Bệnh thường gặp nữ, thường ở lứa tuổi 30-50 tuổi(16,4,5). Tổn thương đặc trưng ở vùng mặt với các triệu chứng như: đỏ bừng mặt, hồng ban, dãn mạch, sẩn, mụn mủ(16,4). Bệnh kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và có thể để lại hậu quả như dày da, phì đại và biến dạng mặt. Cơ chế bệnh sinh phức tạp, có nhiều yếu tố tham gia gồm: phản ứng mạch máu ở mặt bất thường, cấu trúc và thành phần mô liên kết ở lớp bì cũng như thành phần chất nền thay đổi, bất thường cấu trúc đơn vị nang lông tuyến bã, sự tham gia của các vi sinh vật như Demodex, Bacillus oleronius, H.pylori, S.epidermidis(6,9,16). Trong đó có vai trò của ký sinh trùng Demodex đã được nhiều nghiên cứu và y văn ghi nhận(4,9,17).
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ nhiễm Demodex trên bệnh nhân trứng cá đỏ khá cao và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ khi so sánh với nhóm chứng người bình thường không mắc bệnh(18,7). Hơn nữa, điều trị Demodex trên bệnh nhân trứng cá đỏ làm giảm bệnh trên lâm sàng(9,2).
Tại Việt Nam, bệnh nhân trứng cá đỏ ở bệnh viện Da Liễu TPHCM khá thường gặp. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh còn khó khăn. Xét
nghiệm tìm Demodex tại bệnh viện Da Liễu TPHCM tuy có thực hiện nhưng phương pháp đánh giá chưa theo tiêu chuẩn. Do đó chúng tôi thực hiện đề tài “Đặc điểm lâm sàng và tình trạng nhiễm Demodex trên bệnh nhân trứng cá đỏ khám tại bệnh viện Da Liễu thành phố Hồ Chí Minh”.
Mục tiêu nghiên cứu
- Khảo sát đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan đến bệnh nhân trứng cá đỏ khám tại bệnh viện Da Liễu TPHCM.
- Xác định tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ khám tại bệnh viện Da Liễu TPHCM.
- Xác định mối liên quan giữa tình trạng nhiễm Demodex với đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân trứng cá đỏ trong mẫu nghiên cứu.
ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
- Bệnh nhân trứng cá đỏ đến khám tại bệnh viện Da Liễu TPHCM từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016.
Tiêu chuẩn chọn mẫu
- Bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng bệnh trứng cá đỏ tại bệnh viện Da Liễu TPHCM từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016. Chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn của hội Trứng Cá Đỏ của Mỹ(11).
- Đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ
- Tiếp xúc trực tiếp động vật có vú như chó, mèo, heo, chuột, dơi, cừu, hươu, nai trong vòng 1 tháng trước khi đến khám.
- Tiền sử dùng thuốc thoa tại chỗ hoặc toàn thân có ảnh hưởng đến mật độ Demodex trên da trong vòng 1 tháng trước khi đến khám(18). Các thuốc thoa gồm permethrin, ivermectin, lindane, benzyl benzoate, metronidazole, crotamiton, malathion, sulfur, salicylic, corticoid và thuốc toàn thân là metronidazole, ivermectin, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
- Không đồng ý tham gia nghiên cứu.
Phương pháp chọn mẫu
- Chọn mẫu thuận tiện
Thiết kế nghiên cứu
- Mô tả hàng loạt ca
Phương pháp tiến hành
- Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Da Liễu TPHCM được bác sĩ chẩn đoán lâm sàng là bệnh trứng cá đỏ. Mỗi bệnh nhân được hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, ghi nhận những thông tin vào bảng thu thập số liệu, chụp hình và được chỉ định làm xét nghiệm tìm Demodex trên da.
- Xét nghiệm được thực hiện tại phòng xét nghiệm của bệnh viện Da Liễu TPHCM. Bệnh nhân được lấy bệnh phẩm tại vị trí có thương tổn như trán, cánh mũi, má, cằm. Nếu có nhiều vị trí thương tổn thì bệnh phẩm sẽ được lấy ở nhiều vị trí (tối đa là 3 vị trí). Nếu thương tổn ở vùng má hai bên hoặc cánh mũi hai bên thì chọn ngẫu nhiên và chỉ lấy bệnh phẩm một bên. Ở mỗi vị trí chỉ lấy 1cm2 da thương tổn.
- Cách lấy bệnh phẩm như sau: Trên vùng thương tổn, dùng ngón tay cái và ngón thứ hai bóp với một lực đủ mạnh để lấy chất bã và sau đó dùng dao cạo lấy chất bã. Trong trường hợp chất bã ít thì vẫn cạo trên vùng da thương tổn và phết lên lam. Sau khi có lam bệnh phẩm, nhỏ dung dịch KOH lên lam rồi đậy lamen lên, đem soi kính hiển vi ở vật kính 10 (độ phóng đại 100 lần).
- Nhận diện ký sinh trùng Demodex sống trên người dựa vào đặc điểm hình dạng và chiều dài của ký sinh trùng (D. folliculorum dài 0,3-0,4mm, D. brevis dài 0,1-0,2mm). Đếm số lượng Demodex trên toàn bộ lam rồi ghi nhận kết quả lại. Chỉ số mật độ Demodex là số lượng Demodex trung bình trên 1 cm2 da. Nếu mật độ >5 con/cm2 da thì xác định nhiễm Demodex.
Xử lý số liệu
- Số liệu được nhập, mã hóa và xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 16.0. Giá trị của p < 0,05 thì được xem là có ý nghĩa thống kê.
KẾT QUẢ
- Chúng tôi đã thu nhận vào mẫu nghiên cứu 42 bệnh nhân trứng cá đỏ.
Một số đặc điểm dịch tễ của đối tượng nghiên cứu
Tuổi
Tuổi trung bình là 41,93 ± 1,61 tuổi. Tuổi nhỏ nhất là 21 tuổi và lớn nhất là 69 tuổi. Phần lớn bệnh nhân ở lứa tuổi từ 40 đến 49 tuổi (35,7%).
Bảng 1: Phân bố theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi | N | % |
Dưới 30 tuổi | 6 | 14,3 |
Từ 30 đến 39 tuổi | 11 | 26,2 |
Từ 40 đến 49 tuổi | 15 | 35,7 |
Từ 50 đến 59 tuổi | 8 | 19 |
Trên 59 tuổi | 2 | 4,8 |
Giới tính
Nữ chiếm 54,8% (23 ca) và nam chiếm 45,2% (19 ca). Nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam.
Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân trứng cá đỏ
Tuổi khởi bệnh
Bảng 2: Phân bố theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi | n | % |
Dưới 30 tuổi | 7 | 16,7 |
Từ 30 đến 39 tuổi | 11 | 26,2 |
Từ 40 đến 49 tuổi | 16 | 38,1 |
Từ 50 đến 59 tuổi | 7 | 16,7 |
Trên 59 tuổi | 1 | 2,3 |
Tuổi trung bình là 40,57 ± 1,59 tuổi. Tuổi nhỏ nhất là 21 tuổi và lớn nhất là 66 tuổi. Phần lớn bệnh nhân ở lứa tuổi từ 40 đến 49 tuổi (38,1%).
Thời gian mắc bệnh
Thời gian mắc bệnh trung bình là 18,05 ± 4,15 tháng. Trung vị là 11 tháng. Thời gian mắc bệnh ngắn nhất là 1 tháng và dài nhất là 120 tháng.
Yếu tố làm nặng bệnh
Bảng 3: Các yếu tố làm nặng bệnh
Yếu tố làm nặng bệnh | n | % |
Môi trường nóng/lạnh | 29 | 69 |
Tâm lý căng thẳng | 26 | 61,9 |
Ăn uống thức ăn cay/nóng | 25 | 59,5 |
Không tránh nắng | 22 | 52,4 |
Rượu bia | 11 | 26,2 |
Vận động cường độ nặng | 6 | 14,3 |
Dùng thuốc làm nặng bệnh | 2 | 4,8 |
Các yếu tố làm bệnh trứng cá đỏ nặng thêm chiếm tỉ lệ cao (>50%) bao gồm: stress, không tránh nắng, ăn uống thức ăn cay hoặc nóng, môi trường nóng hoặc lạnh. Chiếm tỉ lệ ít hơn là các yếu tố: rượu bia, vận động cường độ nặng, dùng thuốc làm nặng bệnh.
Phân bố vị trí thương tổn trên cơ thể
100% bệnh nhân có thương tổn ở mặt (42 ca). Chỉ 7,1% bệnh nhân bị ở cổ (3 ca) và 2,4% ở ngực (1 ca).
Bảng 4: Phân bố vị trí thương tổn vùng mặt
Vị trí | n | % |
Mũi | 39 | 92,9 |
Má | 36 | 85,7 |
Trán | 26 | 61,9 |
Cằm | 25 | 59,5 |
Mắt | 0 | 0 |
Phần lớn thương tổn phân bố ở vùng má (92,9%) và mũi (85,7%). Chiếm tỉ lệ ít hơn là vùng trán (61,9%) và cằm (59,5%). Không có bệnh nhân nào có thương tổn ở mắt.
Triệu chứng cơ năng
Bảng 5: Triệu chứng cơ năng
Triệu chứng | n | % |
Ngứa | 27 | 64,3 |
Đỏ bừng mặt | 26 | 61,9 |
Nóng | 24 | 57,1 |
Châm chích | 13 | 31 |
Bỏng rát | 6 | 14, |
Không có | 6 | 14,3 |
Đa số bệnh nhân có các triệu chứng là đỏ bừng mặt, ngứa và nóng (>50%). Chiếm tỉ lệ ít hơn là triệu chứng châm chích (31%) và bỏng rát (14,3%). Ghi nhận 14,3% bệnh nhân không có triệu chứng cơ năng.
Thương tổn da
Bảng 6: Thương tổn da
Triệu chứng | n | % |
Dãn lỗ chân lông | 33 | 78,6 |
Dãn mạch | 32 | 76,2 |
Hồng ban trung tâm mặt | 24 | 57,1 |
Sẩn | 19 | 45,2 |
Đỏ bừng mặt | 18 | 42,9 |
Khô da | 16 | 38,1 |
Sẩn mụn mủ | 15 | 35,7 |
Mũi phì đại | 10 | 23,8 |
Dày da | 5 | 11,9 |
Nốt | 3 | 7,1 |
Mảng | 2 | 4,8 |
Thay đổi đường nét mặt ngoài mũi | 0 | 0 |
Phù | 0 | 0 |
Các thương tổn da chiếm tỉ lệ cao (>50%) gồm: dãn lỗ chân lông, dãn mạch, hồng ban trung tâm mặt. Thương tổn chiếm tỉ lệ thấp hơn (20-50%) là sẩn, đỏ bừng mặt, khô da, sẩn mụn mủ, mũi phì đại. Còn lại chiếm tỉ lệ thấp nhất (<20%) là dày da, nốt, mảng và không có bệnh nhân nào phù hoặc thay đổi đường nét mặt ngoài mũi.
Tỉ lệ các thể trứng cá đỏ
Bảng 7: Tỉ lệ các thể trứng cá đỏ
Thể | n | % |
Hồng ban dãn mạch | 23 | 54,8 |
Sẩn mụn mủ | 13 | 31 |
Phì đại | 6 | 14,2 |
Mắt | 0 | 0 |
U hạt | 0 | 0 |
Thể hồng ban dãn mạch chiếm tỉ lệ cao nhất (54,8%). Kế đến là thể sẩn mụn mủ (31%) và thể phì đại (14,2%). Không có bệnh nhân nào thể mắt hoặc thể u hạt.
Tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ
Tỉ lệ nhiễm Demodex (mật độ Demodex >5 con/cm2 da) ở bệnh nhân trứng cá đỏ cao là 50% (21 người). Tỉ lệ bệnh nhân có mật độ Demodex 1-5 con/cm2 da cũng chiếm tỉ lệ khá cao (38,1%). Trong khi đó tỉ lệ bệnh nhân có mật độ Demodex là 0 con/cm2 da thấp hơn (11,9%).
Mối liên quan giữa nhiễm Demodex với một số yếu tố của trứng cá đỏ
Tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh trứng cá đỏ theo giới tính
Bảng 8: Tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh trứng cá đỏ theo giới tính
Nữ | Nam | Tổng | |
Không nhiễm Demodex | 10 | 11 | 21 |
Nhiễm Demodex | 13 | 8 | 21 |
Tổng | 23 | 19 | 42 |
P = 0,352 (phép kiểm χ2)
Tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh trứng cá đỏ giữa nam và nữ không khác biệt có ý nghĩa thống kê
Tỉ lệ nhiễm Demodex theo thể bệnh
Bảng 9: Tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh trứng cá đỏ theo thể bệnh
Thể sẩn mụn mủ Các thể khác | ||
Không nhiễm Demodex | 3 (23,1%) | 18 (62,1%) |
Nhiễm Demodex | 10 (76,9%) | 11 (37,9%) |
Tổng | 13 (100%) | 29 (100%) |
P = 0,019 (phép kiểm χ2)
Tỉ lệ nhiễm Demodex ở thể sẩn mụn mủ cao nhất (76,9%). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh nhân trứng cá đỏ giữa thể sẩn mụn mủ và các thể khác.
BÀN LUẬN
Một số đặc điểm dịch tễ của đối tượng nghiên cứu
- Qua khảo sát chúng tôi ghi nhận tuổi trung bình là 41,93 ± 1,61 tuổi. Độ tuổi gặp nhiều nhất là 40-49 tuổi (35,7%) (Bảng 1). Y văn ghi nhận bệnh thường gặp ở tuổi trung niên. Theo You In Bae, tuổi trung bình là 47,8 ± 14,9 tuổi và độ tuổi 40-49 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (24,4%)(3). Như vậy, kết quả của chúng tối phù hợp.
- Về giới, nữ chiếm tỉ lệ 54,8% cao hơn nam (45,2%). Điều này khá phù hợp với y văn, bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam(4,17). Theo
- Hamideh Moravvej, tỉ lệ của nữ là 65,4% và chiếm tỉ lệ cao hơn nam (34,6%)(14) cho thấy kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của tác giả này.
Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân trứng cá đỏ
- Tuổi khởi bệnh trung bình là 40,57 ± 1,59 tuổi. Tỉ lệ bệnh nhân cao nhất thuộc về độ tuổi 40-49 tuổi (38,1%). Trong khi đó nhóm tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ thấp (16,7%) (Bảng 2). Kết quả phù hợp với nghiên cứu của K.P.Kyriakis, ghi nhận chỉ có 4% bệnh nhân trứng cá đỏ có độ tuổi dưới 20 còn đa phần tập trung ở độ tuổi lớn hơn(13).
- Thời gian mắc bệnh trung bình là 18,05 ± 4,15 tháng. Trong đó thời gian mắc bệnh ngắn nhất là 1 tháng và dài nhất là 10 năm. Theo Aida Khaled, thời gian mắc bệnh trung bình là 20 tháng, dao động từ 3 ngày đến 20 năm(12). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu này với thời gian bệnh trung bình hơn 1 năm và do bệnh mạn tính nên có thể kéo dài đến 10-20 năm.
- Bốn yếu tố làm nặng bệnh được ghi nhận nhiều nhất (>50%) là môi trường nóng hoặc lạnh, tâm lý căng thẳng, ăn uống thức ăn cay nóng, không tránh nắng với tỉ lệ lần lượt là 69%; 61,9%; 59,5% và 52,4% (Bảng 3). Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Renan Rangel Bonamigo các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến bệnh trứng cá đỏ gồm môi trường nóng hoặc lạnh (67,7%), tâm lý căng thẳng (62,9%), không tránh nắng (62,9%), kế đến là rượu bia (46,8%) và ăn uống thức ăn cay hoặc nóng (37,1%)(5).
- 100% bệnh nhân có triệu chứng ở mặt, còn lại chiếm tỉ lệ ít hơn là cổ và ngực (<10%). Kết quả của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với y văn. Bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng mặt có thể do lưu lượng máu tăng ở mặt và các mạch máu ở mặt có kích thước lớn hơn, số lượng nhiều và chúng gần với bề mặt hơn là các vùng da khác trên cơ thể(6). Theo y văn, bệnh trứng cá ảnh hưởng chủ yếu vùng mặt, trong đó các vị trí thường ảnh hưởng nhất là trán, má, mũi, cằm(4,17,16). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với y văn thể hiện qua ghi nhận sau: vị trí có sang thương trứng cá đỏ nhiều nhất là má (92,9%) và mũi (85,7%). Kế đến là trán (61,9%) và cằm (59,5%) (Bảng 4). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của K.Abram(1).
- Đa số bệnh nhân bị đỏ bừng mặt, ngứa và nóng với tỉ lệ >50%, kế đến là cảm giác châm chích (33,3%) và bỏng rát (13,3%) (Bảng 5). Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của You In Bae, triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là nóng và châm chích (69,6%)(3).
- Nhóm thương tổn chiếm tỉ lệ nhiều nhất (>50%) là dãn lỗ chân lông, dãn mạch và hồng ban trung tâm mặt. Kế đến là sẩn, đỏ bừng mặt, khô da, sẩn mụn mủ và mũi phì đại với tỉ lệ 20-50%. Dày da, nốt, mảng chiếm tỉ lệ rất thấp (<10%), và không có bệnh nhân nào bị phù hoặc thay đổi đường nét mặt ngoài mũi (Bảng 6). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của You In Bae với hồng ban ở mặt chiếm tỉ lệ cao nhất (85,1%), kế đến là dãn mạch (61,3%) và sẩn mụn mủ (54,8%). Các triệu chứng như mảng, phù, phì đại chiếm tỉ lệ ít (<10%)(3).
- Tỉ lệ bệnh nhân mắc các thể trứng cả đỏ từ cao đến thấp là thể hồng ban dãn mạch > thể sẩn mụn mủ > thể phì đại với tỉ lệ lần lượt là 54,8%; 31% và 14,2%. Không có bệnh nhân nào mắc thể mắt hoặc thể u hạt (Bảng 7). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của You In Bae. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của You In Bae còn ghi nhận có 14,3% bệnh nhân mắc thể mắt(3).
Tỉ lệ nhiễm Demodex ở bệnh nhân trứng cá đỏ
- Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ bệnh nhân trứng cá đỏ nhiễm Demodex là 50%, bằng với tỉ lệ bệnh nhân không nhiễm Demodex. Kết quả của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Shahla Talghini với tỉ lệ nhiễm Demodex là 47,1% theo phương pháp SSSB(18).
- Nghiên cứu của chúng tôi còn ghi nhận có đến 38,1% bệnh nhân có mật độ Demodex là 1-5
- con/cm2 da. Những bệnh nhân này có sự hiện hiện Demodex trên da nhưng mật độ chưa đủ khả năng gây bệnh. Điều này có thể khiến các bác sĩ chẩn đoán lầm là bệnh nhân bị nhiễm Demodex.
- Theo ghi nhận của chúng tôi thì đây là nghiên cứu đầu tiên tại nước ta sử dụng phương pháp tìm ký sinh trùng tương đối chuẩn với kỹ thuật lấy mẫu nhiều vị trí và chọn chỉ số nhiễm Demodex trên 5 con/cm2 da.
Mối liên quan giữa nhiễm Demodex với một số yếu tố của trứng cá đỏ
Tỉ lệ nhiễm Demodex của bệnh trứng cá đỏ theo giới tính
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận được tỉ lệ nhiễm Demodex trên bệnh nhân trứng cá đỏ ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tỉ lệ tương ứng là 56,5% và 42,1% (Bảng 8). Điều này có thể do trứng cá đỏ xảy ra nhiều ở nữ. Tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ nhiễm Demodex của hai giới (p=0,352) (Bảng 8). Hầu như chưa tìm được nghiên cứu trên thế giới về các tỉ lệ này.
Tỉ lệ nhiễm Demodex theo thể bệnh
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận thể sẩn mụn mủ có tỉ lệ nhiễm Demodex cao hơn các thể khác với tỉ lệ lần lượt là 76,9% và 37,9%. Và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p=0,019) (Bảng 9). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của F.Forton với tỉ lệ nhiễm Demodex của thể sẩn mụn mủ là 73,68%(8). Điều này cho thấy hiện tượng viêm trong thể sẩn mụn mủ có thể là điều kiện thuận lợi cho Demodex phát triển và ngược lại Demodex cũng tác động làm tình trạng viêm nhiều và nặng hơn. Điều này giúp cho việc chỉ định xét nghiệm tìm Demodex ở bệnh nhân thể sẩn mụn mủ được chú ý.
KẾT LUẬN
Trứng cá đỏ thường gặp tuổi trung niên. Các yếu tố làm nặng bệnh được ghi nhận nhiều nhất là môi trường nóng hoặc lạnh, tâm lý căng thẳng, ăn uống thức ăn cay hoặc nóng. Đỏ bừng mặt, ngứa và nóng là triệu chứng cơ năng mà hơn phân nửa số bệnh nhân có than phiền. Mặt là vị trí mà thương tổn luôn xuất hiện với triệu chứng thường gặp là dãn lỗ chân lông, dãn mạch và hồng ban trung tâm mặt. Về thể lâm sàng thì hồng ban dãn mạch chiếm tỉ lệ cao nhất, kế đến là thể sẩn mụn mủ và thể phì đại.
Có 50% các trường hợp nhiễm Demodex với mật > 5 con/ cm2 da. Đối với thể sẩn mụn mủ, tỷ lệ nhiễm là cao nhất so với các thể khác. Kết quả nghiên cứu này làm sáng tỏ thêm tình trạng nhiễm Demodex và cho thấy có sự liên quan với biểu hiện lâm sàng của bệnh trứng cá đỏ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Abram K, Silm H, Oona M (2010). “Prevalence of rosacea in an Estonian working population using a standard classification”, Acta Derm Venereol, 90(3), pp. 269-73.
- Allen KJ, et al. (2007). “Recalcitrant papulopustular rosacea in an immunocompetent patient responding to combination therapy with oral ivermectin and topical permethrin”, Cutis, 80(2), pp. 149-51.
- Bae YI, Yun SJ, Lee JB, Kim SJ, Won YH, Lee SC (2009). “Clinical evaluation of 168 korean patients with rosacea: the sun exposure correlates with the erythematotelangiectatic subtype”, Ann Dermatol, 21(3), pp. 243-9.
- Berth-Jones J (2010). “Rosacea, Perioral Dermatitis and Similar Dermatoses, Flushing and Flushing Syndromes”, Rook’s Textbook of Dermatology, pp. 43.1-43.2.
- Bonamigo RR, Bakos L, Cartell A, Edelweiss MI (2008). “Factors associated with rosacea in population samples of Southern Brazil: analysis of case-control studies”, Bras. Dermatol, 83(5).
- Crawford GH, Pelle MT, James WD (2004). “Rosacea: I. Etiology, pathogenesis, and subtype classification”, J Am Acad Dermatol, 51(3), pp. 327-41; quiz 342-4.
- Forton F, Seys B (1993). “Density of Demodex folliculorum in rosacea: a case-control study using standardized skin-surface biopsy”, Br J Dermatol, 128(6), pp. 650-9.
- Forton F, Germaux MA, Brasseur T, De Liever A, Laporte M, Mathys C, Sass U, Stene JJ, Thibaut S, Tytgat M, Seys B (2005). “Demodicosis and rosacea: epidemiology and significance in daily dermatologic practice”, J Am Acad Dermatol, 52(1), pp. 74-87.
- Forstinger C, Kittler H, Binder M (1999). “Treatment of rosacea-like demodicidosis with oral ivermectin and topical permethrin cream”, J Am Acad Dermatol, 41, pp. 775-7.
- Jarmuda S, O’Reilly N, Zaba R, Jakubowicz O, Szkaradkiewicz A, Kavanagh K (2012). “Potential role of Demodex mites and bacteria in the induction of rosacea”, J Med Microbiol, 61(Pt 11), pp. 1504-10.
- Jonathan Wilkin MD, et al. (2002). “Standard classification of rosacea: Report of the National Rosacea Society Expert Committee on the Classification and Staging of Rosacea”, J Am Acad Dermatol, 46, pp. 584-587.
- Khaled A, Hammami H, Zeglaoui F, Tounsi J, Zermani R, Kamoun MR, Fazaa B (2010). “Rosacea: 244 Tunisian cases”, Tunis Med, 88(8), pp. 597-601.
- Kyriakis KP, Palamaras I, Terzoudi S, Emmanuelides S, Michailides C, Pagana G (2005). “Epidemiologic aspects of rosacea”, J Am Acad Dermatol, 53(5), pp. 918-9.
- Moravvej H, Dehghan-Mangabadi M, Abbasian MR, Meshkat-Razavi G (2007). “Association of rosacea with demodicosis”, Arch Iran Med, 10(2), pp. 199-203.
- Okhovat JP, Armstrong AW (2014). “Updates in Rosacea: Epidemiology, Risk Factors, and Management Strategies”, Current Dermatology Reports, 3(1), 23-28.
- Pelle MT (2012). “Rosacea”, Fitzpatrick’s Dermatology in general medicine, 13, pp. 918-925.
- Powell FC, Ní Raghallaigh S (2012). “Rosacea and Related Disorders”, Dermatology, 1, pp. 561-569.
- Talghini S, Fouladi DF, Babaeinejad S, Shenasi R,Samani SM (2015). “Demodex Mite, Rosacea and Skin Melanoma; Coincidence or Association?”, Turkiye Parazitol Derg, 39(1), pp. 41-6.
Ngày nhận bài báo: 14/11/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 17/11/2016
Ngày bài báo được đăng: 01/03/2017
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017