Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai là 2 đối tượng dễ gặp phải tình trạng viêm da cơ địa. Chữa trị cho trẻ và mẹ bầu cũng cần nhiều chú ý và cẩn thận hơn.
Cách chữa viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh an toàn
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng khá phổ biến, khiến da trẻ bị khô và ngứa. Bệnh thường diễn biến ở trẻ có độ tuổi từ 3 – 6 tháng.
Vẫn chưa xác định đâu là nguyên nhân thật sự gây ra viêm da cơ địa trẻ sơ sinh, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng gien, hệ miễn dịch và môi trường là những yếu tố góp phần vào cơ chế bệnh sinh bệnh. Do đó những trẻ có người thân trong gia đình bị viêm da cơ địa hoặc dị ứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Trẻ dưới 1 tuổi khi bị viêm da cơ địa thường bị nổi đỏ da, mụn nước ở má hoặc có thể lan đến đầu gối, khuỷu tay và thân.
Cách chữa viêm da cơ địa ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào triệu chứng bệnh, độ tuổi và sức khỏe nói chung của trẻ; ngoài ra cũng sẽ dựa vào vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn viêm da cơ địa mà các phương pháp chỉ chủ yếu tập trung vào việc giảm viêm và ngứa, tăng độ ẩm cho da, ngăn ngừa nhiễm trùng, kéo dài thời gian lui bệnh cho trẻ. Ba mẹ có thể thực hiện các việc sau khi trẻ bị bệnh:
- Giữ trẻ tránh xa các chất gây dị ứng, nơi nóng nực dễ đổ mồ hôi
- Tắm trẻ bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ hoặc bằng sản phẩm bác sĩ chỉ định. Lưu ý không nên tắm nước quá nóng, chỉ nên dưới 30 độ C hoặc thấp hơn tùy điều kiện bên ngoài.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ
- Cắt ngắn móng tay của trẻ để tránh trẻ gãi gây trầy xước vùng da bị tổn thương
- Sử dụng các loại thuốc theo yêu cầu từ chuyên gia y tế như thuốc kháng viêm, thuốc kháng histamine hay thuốc kháng sinh…
Ngoài ra ba mẹ cần đặc biệt đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi thấy các triệu chứng bệnh không giảm bớt sau 2 ngày hoặc vùng da bị viêm có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, tấy đỏ, nứt nẻ, chảy nước…)
Cách chữa viêm da cơ địa cho bà bầu
Viêm da cơ địa là một trong những chứng rối loạn da phổ biến ở phụ nữ mang thai. Bệnh có thể xuất hiện trước tam cá nguyệt thứ 3, tuy nhiên mẹ bầu vẫn có thể gặp viêm da cơ địa trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Lý do gây bệnh được nhiều đồng tình nhất là do khi mang thai, hormone và cả hệ miễn dịch trong cơ thể mẹ có nhiều thay đổi.
Thời gian viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai có thể kéo dài từ vài tuần trở lên, tùy trường hợp cụ thể mà mẹ có thể thấy các triệu chứng như thay đổi sắc tố da, da khô ráp, bong tróc, da ngứa ngáy khó chịu, đỏ hay nổi mụn nước.
Nếu mẹ bầu gặp phải viêm da cơ địa, mẹ cần chú ý nhiều hơn trong điều trị. Nếu gặp bệnh trước đó, mẹ có thể đã điều trị bằng thuốc mỡ tại chỗ, thuốc uống, các sản phẩm chăm sóc da không kê đơn. Tuy nhiên khi có em bé, mẹ hãy nên hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp chữa trị nào để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
Nhiều người lo sợ viêm da cơ địa có ảnh hưởng đến thai nhi. Thật ra đây là bệnh lành tính, mặc dù có tác động đến mẹ nhưng hiếm khi gây các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như lưu thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh… Tuy nhiên nếu chăm sóc và điều trị không đúng cách, các biến chứng có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và thai nhi.