Bùng phát đợt cấp ở bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) khi ngừng điều trị Hydroxychloroquine? – Có nhiều khả năng biểu hiện hơn ở bệnh nhân dùng steroid, bệnh nhân trẻ tuổi và dân tộc thiểu số.
Các nhà nghiên cứu Canada phát hiện những yếu tố cơ bản bao gồm tuổi, chủng tộc, và sử dụng steroid là tiên đoán bùng phát ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus – SLE) đang giảm liều hoặc ngưng điều trị với hydroxychloroquine.
Trong một phân tích đa biến số của Tiến sĩ, Sasha Bernatsky, Đại học McGill ở Montreal (Canada), và các đồng nghiệp, tỷ lệ rủi ro (hazard ratio – HR) đối với bùng phát là 1,74 (Khoảng tin cậy (Confidence Interval – CI) 95% là 1,23-2,45) ở những bệnh nhân giảm liều điều trị hydroxychloroquine và đã dùng prednisone lúc ban đầu.
Và trong số những bệnh nhân ngừng thuốc, nguy cơ bùng phát tăng lên đối với bệnh nhân da đen (HR 1,61, 95% CI 1,03-2,51) và những người từ 25 tuổi trở xuống tại thời điểm chẩn đoán SLE (HR 1,75, 95% CI 1.29-2.38), theo báo cáo trên thư viện trực tuyến về Nghiên cứu & Chăm sóc Bệnh viêm khớp (Arthritis Care & Research).
Bernatsky và các đồng nghiệp viết rằng: “Mặc dù mong muốn ban đầu của nghiên cứu là muốn hiểu rõ hơn về liệu pháp cá nhân hóa trong SLE, nhưng phát hiện của chúng tôi có tầm quan trọng mới trong bối cảnh hiện tại, là phương tiện để các bác sĩ và bệnh nhân có thể đối mặt với tình trạng thiếu hydroxychloroquine, vì loại thuốc này đang được quan tâm như một liệu pháp tiềm năng điều trị COVID-19 ”.
Ngoài ra, bệnh nhân giảm liều hoặc ngừng điều trị hydroxychloroquine vì các lý do khác nhau bao gồm khả năng gây độc cho võng mạc, biến chứng có thể phát triển ở 1/5 số bệnh nhân sử dụng thuốc lâu dài.
Để tìm hiểu tác động của việc giảm liều hoặc ngừng sử dụng hydroxychloroquine ở những bệnh nhân SLE, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu lâm sàng từ năm nhóm bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu đoàn hệ kéo dài từ năm 1999 đến năm 2019 ở Canada.
Kết quả tổng hợp của nghiên cứu là những tình trạng bùng phát SLE, bao gồm: tăng ít nhất bốn điểm về Chỉ số hoạt động bệnh SLE (Systemic Lupus Erythematosus Disease Activity Index – SLEDAI), nhập viện vì SLE và/hoặc điều trị SLE tích cực (khởi động lại hoặc tăng liều hydroxychloroquine hoặc bắt đầu mới sử dụng prednisone, thuốc ức chế miễn dịch hoặc sinh học).
Trong số 1389 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu đoàn hệ thì 96,8% đã sử dụng hydroxychloroquine. Trong số này có 398 người giảm liều và 395 người ngừng thuốc. Trong số hơn 600 bệnh nhân vẫn điều trị bằng hydroxychloroquine có 395 người được chọn làm đối chứng phù hợp dựa trên thời gian mắc bệnh và thời gian dùng thuốc.
Đa số bệnh nhân là phụ nữ, tuổi trung bình khi được chẩn đoán SLE là 31 và 3/4 là người da trắng. Điểm trung bình SLEDAI lúc ban đầu là 2 và thời gian trung bình sử dụng hydroxychloroquine là 2,3 năm.
Điểm SLEDAI từ 4 trở lên được thấy ở 46,7% ở những người giảm liều, ở 31,6% ở những người ngừng thuốc và 40,2% ở những người vẫn tiếp tục điều trị hydroxychloroquine.
Tình trạng bùng phát được quan sát thấy ở 261 bệnh nhân giảm liều và có 35,7 biến cố trên 100 người mỗi năm (95% CI 31,6-40,3); ở 226 bệnh nhân ngừng điều trị, có 29 biến cố trên 100 người mỗi năm (95% CI 25,5-33); và ở 97 bệnh nhân tiếp tục điều trị, có 16,1 biến cố trên 100 người mỗi năm (95% CI 13,2-19,6).
Việc sử dụng prednisone thời điểm ban đầu được báo cáo ở 19,8% bệnh nhân giảm liều, 10,6% ở những người ngừng thuốc và 26,1% ở những người duy trì điều trị hydroxychloroquine.
Trong số những bệnh nhân vẫn sử dụng hydroxychloroquine, các yếu tố nguy cơ bùng phát là dân tộc (HR 2,87, 95% CI 1,21-6,76) và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch tại thời điểm ban đầu (HR 1,72, 95% CI 1,08-2,71).
Trong kết quả tổng hợp ở đỉnh điểm của đợt bùng phát, tình trạng phổ biến nhất là nhu cầu điều trị SLE tích cực, được báo cáo ở 52,8% trong số bệnh nhân giảm liều, có 48,9% trong số đó ngừng điều trị và 17,2% còn lại vẫn tiếp tục điều trị. Sự gia tăng từ bốn điểm trở lên đối với SLEDAI – thể hiện bệnh đang hoạt động – đã được quan sát thấy ở 19,4% những người giảm liều và 20,2% trong số những người ngừng điều trị và 10,3% trong số những người duy trì điều trị. Tỷ lệ nhập viện vì SLE được thấy ở 0,8% bệnh nhân sau khi giảm liều, 0,6% sau khi ngừng thuốc và 0,3% trong số những người duy trì điều trị.
Phân tích đa biến cũng xem xét các yếu tố khác ảnh hưởng kết quả bùng phát tổng hợp. Đối với việc tích cực điều trị sau khi giảm liều, các yếu tố tiên đoán cơ bản là dân tộc Châu Á (HR 1,52, KTC 95% 0,99-2,32) và bệnh hoạt động (HR 1,62, KTC 95% 1,22-2,14), đối với việc tích cực điều trị sau khi ngừng thuốc, các yếu tố tiên đoán là chủng tộc da đen (HR 1,69, 95% CI 1,05-2,71) và đối với lứa tuổi trẻ hơn khi chẩn đoán (HR 1,48, 95% CI 1,07-2,06).
Khi thảo luận về những phát hiện của họ, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc sử dụng prednisone thường được coi là dấu hiệu của bệnh nặng hơn, và là dấu hiệu dự báo bùng phát, cũng như điểm SLEDAI là 4 (bệnh đang hoạt động) hoặc cao hơn. Họ lưu ý: “Những phát hiện này xác nhận trực giác lâm sàng rằng những bệnh nhân SLE đang hoạt động có nhiều khả năng cho kết quả kém hơn, đặc biệt là cần phải tích cực điều trị”.
Họ cũng chỉ ra rằng bệnh nhân không phải người da trắng có nguy cơ cao hơn ở tất cả các nhóm, điều này có thể phản ánh các đặc điểm di truyền và bệnh bẩm sinh, nhưng cũng có thể phản ánh các rào cản đối với việc chăm sóc và các yếu tố xã hội/văn hóa như tuân thủ thuốc.
Bernatsky và các đồng nghiệp kết luận: “Việc ảnh hưởng đến yếu tố đa sắc tộc và tiên lượng kém qua thăm khám lâm sàng sau khi giảm liều/ngừng hydroxychloroquine cho thấy: Có thể hữu ích trong việc cá nhân hóa các quyết định điều trị cho bệnh nhân SLE xung quanh việc giảm bớt hoặc duy trì thuốc, cũng như theo dõi các cơn bùng phát khi giảm hoặc ngừng điều trị hydroxychloroquine là cần thiết. Chẳng hạn như trong bối cảnh hiện tại, về tình trạng thiếu hydroxychloroquine tiềm ẩn, do loại thuốc này được quan tâm như một liệu pháp điều trị COVID-19”.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hạn chế của nghiên cứu là thiếu thông tin về lý do giảm liều hoặc ngừng điều trị.
Tài liệu tham khảo
Almeida-Brasil CC, et al “Predictors of unsuccessful hydroxychloroquine tapering and discontinuation: can we personalize decision-making in systemic lupus treatment?” Arthritis Care Res 2020; DOI: 10.1002/acr.24548.
(Almeida-Brasil CC, và cộng sự “Những dự báo về việc điều trị giảm liều và ngừng hydroxychloroquine không thành công: chúng ta có thể cá nhân hóa việc ra quyết định trong điều trị lupus toàn thân không?” Nghiên cứu chăm sóc khớp 2020; DOI: 10.1002 / acr.24548.)