Thuốc điều trị viêm da mủ được chia làm hai loại là thuốc điều trị tại chỗ và thuốc điều trị toàn thân nhằm ngăn ngừa sự lan rộng của sang thương, rút ngắn thời gian bệnh và tránh được biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người, các bác sĩ da liễu sẽ chỉ định từng loại thuốc cụ thể.
Thuốc điều trị viêm da mủ tại chỗ
Đối với các mụn mủ, bọng mủ đã bị vỡ hay các vết trợt, thông thường các bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị viêm da mủ tại chỗ với nhiều loại thuốc bôi, thoa khác nhau:
– Trước tiên, nên ngâm rửa hoặc đắp ướt thương tổn bằng thuốc tím pha loãng 1/10.000.
– Dung dịch sát khuẩn chẳng hạn như cồn Iốt 1-3%, Rivanol 1%, Berberin 1%, nước muối sinh lý 0,9%, Nitrat bạc 0,25 – 0,5% và thuốc màu như xanh metylen 1%, tím methyl 1%, Eosin 2%, Milian… Theo đó, người bệnh viêm da mủ sẽ dùng gạc y tế để rửa những vùng da tổn thương với các dung dịch sát khuẩn rồi sau đó tiếp tục thoa thuốc màu lên. Nên rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn và thay băng gạc hằng ngày để đảm bảo vệ sinh.
-Bên cạnh việc sử dụng các dung dịch sát khuẩn và thuốc màu, bác sĩ da liễu điều trị viêm da mủ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng thêm thuốc mỡ/kem kháng sinh. Những kháng sinh thoa dạng mỡ hay kem như bacitracin, mupirocin, fusidic acid, penicilin, silver sulfadiazine… sử dụng 2 – 3 lần mỗi ngày trong 7 – 10 ngày.
Có thể bạn quan tâm: Nghiên Cứu Về Tác Dụng Phụ Của Isotretinoin Bệnh Nhân Mụn Trứng Cá Tại Bệnh Viện Đại Học Y Dược TPHCM
Thuốc điều trị viêm da mủ toàn thân
Khi thương tổn nhiều hoặc khi dùng thuốc điều trị viêm da mủ tại chỗ vài ngày mà bệnh chưa bớt, bệnh nhân cần điều trị toàn thân bằng các loại thuốc kháng sinh, giảm viêm. Tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh, bác sĩ da liễu điều trị sẽ quyết định cho uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch thuốc kháng sinh trong một đợt điều trị kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, thậm chí phải dùng cả thuốc kháng sinh liều cao.
Trong quá trình điều trị, người bệnh viêm da mủ nên theo dõi chặt chẽ tình trạng cơ thể, tình trạng da, để theo dõi đáp ứng điều trị, đề phòng các biến chứng của bệnh và do sử dụng thuốc.
Có thể kết hợp bổ sung vitamin A, B1, C, thuốc giảm đau nếu cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm da mụn mủ
Viêm da mủ là một bệnh da rất phổ biến, thường dễ chẩn đoán và điều trị. Điều quan trọng nhất, quyết định khả năng thành công trong việc điều trị viêm da mủ đó chính là việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời.
Vì vậy, để biết được cách thức lẫn phương thuốc điều trị viêm da mủ tốt nhất, hiệu quả nhất, người bệnh cần có sự tư vấn, thăm khám trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Đồng thời, người bệnh cũng cần hết sức lưu ý một số vấn đề như sau:
- Không tự ý uống kháng sinh, sử dụng các loại thuốc bôi, thoa, dán cao, đắp lá, tắm lá… để chữa viêm da mủ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
- Nếu có sử dụng một số loại thuốc điều trị các bệnh khác như đái tháo đường, gan, thận… người bệnh viêm da mủ cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ điều trị.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá… khi dùng thuốc điều trị viêm da mủ.
- Tránh chà xát mạnh làm vỡ mụn mủ, lan mủ ra vùng da lân cận.
- Không nên tự ý chích, nặn sớm các nốt mụn mủ vì dễ gây nhiễm khuẩn lan rộng.
- Ở nơi thoáng mát, mặc đồ rộng rãi và nghỉ ngơi nhiều.
- Hạn chế tiếp xúc khói, bụi,… có thể làm nhiễm trùng nặng hơn.
Sử dụng thuốc điều trị viêm da mủ đúng cách và hợp lý góp phần vô cùng to lớn trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng cũng như giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở lại với cuộc sống thường nhật sớm nhất.
Nguồn: Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược