Stress gây mất ngủ dẫn đến các rối loạn sắc tố nên sẽ khiến làn da trắng trở nên tối và không đồng màu. Căng thẳng còn làm cấu trúc da thay đổi, trở nên suy yếu hơn nên chức năng bảo vệ da bị ảnh hưởng, lão hóa diễn tiến nhanh hơn, tạo ra nhiều nếp nhăn và vết chân chim…
Stress là gì?
Stress (hay căng thẳng) có gốc từ tiếng Latin, có nghĩa ‘kéo căng’. Ở người, căng thẳng thường được mô tả là một tình trạng tiêu cực hay tích cực có ảnh hưởng đến tinh thần lẫn thể chất. Theo tâm lý học giải thích, đây là một cảm giác căng thẳng và dồn ép. Áp lực với cường độ thấp có thể là một điều tốt và thậm chí có lợi cho công việc lẫn sức khỏe.
Ví dụ stress tích cực giúp tăng hiệu suất vận động thể thao. Nó cũng có vai trò trong động lực, thích nghi và phản ứng với môi trường xung quanh. Tuy nhiên với một lượng áp lực quá nhiều có thể dẫn đến nhiều trắc trở cho cơ thể và được xem là stress tiêu cực, có hại.
Nhìn từ góc độ sinh lý học và sinh học, thì căng thẳng là một phản ứng của cơ thể đối với stressor, nghĩa là ‘căng thẳng nguyên’ như là điều kiện môi trường hay một kích thích tố (stimulus). Thực chất, căng thẳng là phương thức mà cơ thể đáp ứng với các thách thức. Sau một sự kiện áp lực, cách cơ thể đáp ứng với căng thẳng là thông qua sự kích hoạt hệ thần kinh giao cảm dẫn đến đáp ứng căng thẳng cấp hay còn gọi là phản ứng ‘chống trả hay bỏ chạy’.
Stress ảnh hưởng đến da thế nào?
Stress ảnh hưởng đến sắc đẹp nói chung và làn da nói riêng theo những cách đa dạng, tập trung ở những dấu hiệu nổi bật sau:
- Stress khiến da sạm màu: Stress gây mất ngủ kích hoạt các rối loạn sắc tố và tích tụ dần, sẽ khiến làn da từ trắng khỏe trở nên xỉn, tối màu hơn.
- Căng thẳng làm cho lớp biểu bì trở nên suy yếu nên chức năng bảo vệ da bị ảnh hưởng, tạo nhiều nếp nhăn và vết chân chim. Cortisol trong cơ thể tăng đột ngột gây tổn hại đến cấu trúc collagen và elastin, thành phần làm da mềm mại và độ đàn hồi của da. Cortisol còn dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn trao đổi chất, tăng cân… đều là những tình trạng sức khỏe bất lợi cho da.
- Stress khiến các tổn thương hay vết thương trên da sẽ chậm lành. Lý do, lớp biểu bì da bị suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm chậm khả năng chữa lành vết thương tự nhiên của da.
- Làm da tiết nhiều dầu và tạo mụn trứng cá: Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan bất lợi giữa stress và sự gia tăng mụn trứng cá, nhất là ở phụ nữ. Lý do, căng thẳng làm cơ thể giải phóng nhiều nội tiết tố androgen và cortisol từ tuyến thượng thận – những nội tiết tố này là chất xúc tác của mụn trứng cá.
- Stress làm da mỏng và dễ tổn thương hơn: Cortisol là loại nội tiết tố vô cùng quan trọng để tăng cường miễn dịch và chống dị ứng. Tuy nhiên, nó lại có thể làm tăng huyết áp, đường huyết và là nguyên nhân gây nên sự phân hủy protein, do đó da lão hóa với tốc độ nhanh hơn bình thường có thể khiến da trở nên mỏng, dễ bị tổn thương.
- Stress nghiêm trọng làm rụng tóc, móng tay dễ gãy. Do stress nghiêm trọng khiến cơ thể sẽ sản sinh ra các nội tiết tố và cortisol, gây ra phản ứng ‘chống trả hoặc bỏ chạy’. Nếu stress kéo dài triền miên sẽ làm tăng nguy cơ rụng tóc, diễn tiến hói đầu sẽ nhanh hơn.
- Stress tạo ra quầng thâm vùng da dưới mắt, bọng mắt: Lý do stress cản trở cơ thể hấp thụ dưỡng chất nuôi dưỡng da như vitamin C, E, giảm quá trình loại bỏ gốc tự do làm vùng da dưới mắt kém đàn hồi nên lâu ngày gây thâm quầng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm da như mề đay, vẩy nến, eczema, viêm da, rosacea… Theo các nghiên cứu, khi căng thẳng kéo dài, gây ra tình trạng rối loạn cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm tổn hại đến khả năng đề kháng của làn da. Nói cách khác, stress gây rối loạn da, cản trở da tự điều chỉnh và giữ cân bằng và cuối cùng phát sinh nhiều bệnh.
- Tạo ra bệnh ung: Theo nghiên cứu trên chuột của Đại học Johns Hopkins, và Đại học Yale (Mỹ), căng thẳng mạn tính đã thúc đẩy sự hình thành ung thư da khi chuột tiếp xúc với tia cực tím. Những người mắc ung thư hắc tố, dạng ung thư da nguy hiểm, là nhóm thường trải qua các sự kiện căng thẳng trong nhiều năm, nên có tỷ lệ bị ung thư cao gấp hơn nhiều so với nhóm không bị căng thẳng.
Vài mẹo làm giảm các tác hại của stress
Có nhiều cách đơn giản mọi người có thể tự làm lấy, vừa đơn giản, ít tốn kém lại dễ thực hiện, miễn là kiên trì:
- Ngủ đủ: Nên duy trì giấc ngủ đủ thời lượng, chất lượng (ít nhất 7 tiếng mỗi ngày) để kiểm soát quá trình bài tiết cortisol.
- Duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập thể thao như chạy bộ, hít thở sâu, bơi lội, nhảy… Hít thở sâu sẽ làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp, từ đó đảo ngược tác động của stress. Riêng thực hành thiền, yoga còn giúp giảm căng thẳng, lo âu bằng cách giúp não sản sinh ra các hormone endorphin gây phấn chấn, để đương đầu với stress.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
- Điều trị dùng thuốc giảm căng thẳng
- Liệu pháp tâm lý giảm căng thẳng
- Sắp xếp công việc, làm việc nghỉ ngơi khoa học, hợp lý
- Tự quản lý stress: Rất đa dạng như xây dựng và thực hiện các sở thích tích cực như du lịch, mua sắm, gặp gỡ bạn bè, xem phim, chơi game…. Đặc biệt, nụ cười giúp giảm cortisol và làm tăng endorphin trong não, khiến tinh thần phấn chấn, vui vẻ, giúp máu lưu thông lên não và tăng cường chức năng hô hấp.
- Lựa chọn thực phẩm có lợi, tránh sử dụng các thực phẩm chế biến quá kỹ, nhiều đường nhân tạo. Ví dụ, dùng dầu ô liu thay bơ thực vật và cá thay vì thịt đỏ…