Theo nghiên cứu đăng trên Archives of Dermatological Research, bệnh nhân bạch biến, đặc biệt là bệnh nhân nữ, lớn tuổi thường mắc các bệnh tự miễn hơn khi so với quần thể dân số chung.
Nghiên cứu trên được thực hiện trên dữ liệu Mẫu cấp cứu toàn quốc (Nationwide Emergency Department Sample – NEDS) từ năm 2015 đến 2019 Dự án quản lý chi phí chăm sóc sức khỏe của Cơ quan nghiên cứu và chất lượng chăm sóc sức khỏe (Healthcare Cost and Utilization Project of the Agency for Healthcare Research and Quality).
Các nhà nghiên cứu thực hiện nghiên cứu cắt ngang với quy mô lớn trên các bệnh nhân được chẩn đoán theo mã Bệnh lâm sàng đã chỉnh sửa lần 10 của Phân loại Bệnh Quốc tế (International Classification of Diseases, Tenth Revision, Clinical Modification codes) là bạch biến và có 1 trong 38 bệnh lý viêm và tự miễn đi kèm. Nhóm chứng là các bệnh nhân không mắc bệnh bạch biến tại khoa cấp cứu trong suốt quá trình tiến hành nghiên cứu.
Bệnh bạch biến tương quan với rối loạn miễn dịch và bệnh tự miễn trên da
Bệnh bạch biến có mối tương quan mạnh với các rối loạn miễn dịch ở nhiều mô hình đa biến đã được chuẩn hóa về tuổi, giới và tình trạng sức khỏe với tỷ số nguy cơ hiệu chỉnh (aOR) là 1,45; độ tin cậy 95% dao động từ 1,32 đến 1,58). Bệnh nhân bạch biến có nguy cơ mắc 3 bệnh tự miễn đi kèm cao hơn rõ rệt so với các bệnh nhân không bạch biến (aOR là 39,10; độ tin cậy 95% dao động từ 29,43 đến 51,94).
Bạch biến cũng có mối tương quan mạnh với vài bệnh tự miễn trên da như rụng tóc từng vùng (aOR là 186,22; độ tin cậy 95% dao động từ 115,31 đến 300,72), xơ cứng hệ thống – SSc (aOR là 32,13; độ tin cậy 95% dao động từ 25,28 đến 40,82), u hạt sinh mủ (aOR là 8,07; độ tin cậy 95% dao động từ 2,99 đến 21,75).
Ngoài ra, bạch biến còn có mối tương quan mạnh với các bệnh như viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (aOR là 43,12; độ tin cậy 95% dao động từ 18,98 đến 97,99), thiếu máu ác tính (aOR là 41,26; độ tin cậy 95% dao động từ 31,6 đến 53,78), bệnh Addison (aOR là 33,85; độ tin cậy 95% dao động từ 26,68 đến 42,9) và viêm giáp tự miễn (aOR là 31,65; độ tin cậy 95% dao động từ 26,34 đến 38,02).
Trong các mô hình đa biến đánh giá mối liên quan về dịch tễ học của 10 bệnh tự miễn thường gặp nhất cùng bạch biến, giới nữ được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc SLE (aOR là 3,87; độ tin cậy 95% dao động từ 2,66-5,64), hội chứng Sjögren (aOR là 4,45; độ tin cậy 95% dao động từ 1,97-10,07), xơ cứng bì (aOR là 4,2; độ tin cậy 95% dao động từ 2,28-7,75), viêm khớp dạng thấp (aOR là 3,39; độ tin cậy 95% dao động từ 2,4-4,8) và viêm giáp tự miễn (aOR là 2,20; độ tin cậy 95% dao động từ 1,48-3,27).
Nguy cơ đồng mắc bệnh SLE, hội chứng Sjögren, SSc, viêm khớp dạng thấp và thiếu máu ác tính tăng dần theo tuổi. Các bệnh nhân mắc từ 3 bệnh lý tự miễn trở lên thường là phụ nữ (aOR là 2,22; độ tin cậy 95% dao động từ 1,26 – 3,91) và không liên quan đến tuổi.
Nghiên cứu vẫn còn có vài hạn chế như NEDS thường sẽ gặp những bệnh nhân bạch biến và bệnh đồng mắc nặng hơn so với dân số chung và dữ liệu chưa đánh giá được độ nặng của bạch biến, loại bạch biến, diễn tiến, thời điểm khởi phát cũng như tiền sử điều trị bệnh.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “Các bệnh đa tự miễn ảnh hưởng da, nội tiết, máu, hệ tiêu hóa và hệ thống cơ xương khớp thường gặp ở bệnh nhân bạch biến hơn khi so với dân số chung. Các mối tương quan đã được xác định nhưng cơ chế và những yếu tố nguy cơ cụ thể gây ra các bệnh đồng mắc này ở bệnh nhân bạch biến vẫn còn chưa được hiểu rõ và các bác sĩ cần phải có chiến lược để tầm soát cũng như quản lý các bệnh này.”
Nguồn: https://www.dermatologyadvisor.com/home/topics/systemic-diseases/vitiligo-associated-with-autoimmune-diseases/