Bệnh Da Liễu

Bệnh Da liễu là các bệnh ảnh hưởng đến bề mặt da và các phần phụ của da như lông, tóc, móng và các tuyến mồ hôi, và liễu chỉ một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ một số các rối loạn trên da thường gặp

Bệnh Da liễu là các bệnh ảnh hưởng đến bề mặt da và các phần phụ của da như lông, tóc, móng và các tuyến mồ hôi, và liễu chỉ một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi xin chia sẻ một số các rối loạn trên da thường gặp.

Da - Cơ quan bảo vệ cơ thể lớn nhất

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, có nhiệm vụ che chở các cơ quan nội tạng và bảo vệ cơ thể. Tóm tắt, da có một số chức năng sau:

  • Giữ ẩm và ngăn ngừa sự mất nước
  • Hàng rào bảo vệ cơ thể tránh được các sang chấn vật lý, hoá học và nhất là không để các mầm bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, nấm và virus xâm nhập vào bên trong.
  • Trên da có nhiều “cảm biến” là những nốt thần kinh giúp chúng ta cảm nhận được cảm giác xúc giác, nóng, lạnh và đau.
  • Điều hòa thân nhiệt
  • Quan trọng là tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Bất cứ điều gì gây kích ứng, làm tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm trên da đều có thể gây ra các triệu chứng của các bệnh da chúng ta thường gặp phải như da đỏ, sưng đau, nóng rát và ngứa. Dị ứng da, kích ứng da, dị ứng mỹ phẩm và một số bệnh do  những rối loạn miễn dịch có thể gây viêm da, nổi mề đay và các tình trạng da khác. Các bệnh da khác chẳng hạn như mụn trứng cá, rụng tóc, bệnh vảy nến… cũng ảnh hưởng đến ngoại hình của chúng ta.

Một số bệnh da hay rối loạn trên da thường gặp

Mụn trứng cá

Là tình trạng da phổ biến ảnh hưởng đến 80% thanh thiếu niên và tuổi đôi mươi. Trái với suy nghĩ thông thường, mụn trứng cá có thể chấm dứt khi qua tuổi dậy thì. Một tỷ lệ nhất định người trưởng thành cũng chịu ảnh hưởng bởi mụn trứng cá. Hơn nữa, sự thay đổi nội tiết tố do mang thai và các tình trạng bệnh lý nội khoa khác có thể khiến mụn trứng cá bùng phát. Mụn trứng cá tuy đơn giản nhưng lại là một trong những bệnh da khó điều trị và tốt nhất là chúng ta nên gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu hoặc Thẩm mỹ da.

Một tỷ lệ nhất định người trưởng thành cũng chịu ảnh hưởng bởi mụn trứng cá
Một tỷ lệ nhất định người trưởng thành cũng chịu ảnh hưởng bởi mụn trứng cá. Bác sĩ Phạm Thị Tiếng - khoa Da liễu Thẩm mỹ da bệnh viện DDHYD TPHCM

Chàm thể tạng

Chàm là một bệnh viêm - dị ứng với biểu hiện da đỏ, có nhiều mụn nước, rỉ dịch, tróc vẩy, ngứa, dày da và có thể nứt trên bề mặt da. Tổn thương da có thể khu trú hoặc lan rộng toàn bộ cơ thể. Đây là bệnh rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến nhiều đến chất lượng sống, đặc biệt là trẻ em.

Do đó chàm thể tạng thường gặp ở những người có kèm các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng … hoặc có những thành viên khác trong gia đình mắc các bệnh atopy.

Khi bệnh bắt đầu trong thời kỳ nhũ nhi được gọi là chàm sữa. Tổn thương da là các mảng đỏ, ngứa, rỉ dịch, đóng mài; chủ yếu ở mặt và da đầu nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác. Tình trạng bệnh thường cải thiện trước 2 tuổi và biến mất khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh tồn tại suốt đời.

Khi bệnh xuất hiện trễ ở thanh thiếu niên hoặc người lớn trẻ. Mảng thương tổn điển hình thường có màu đỏ sậm hơi nâu, ở khuỷu, khoeo, cổ chân, lưng bàn chân, cổ tay, bàn tay, nhưng có thể ở bất kỳ nơi nào. Đặc biệt triệu chứng ngứa rất nhiều, đặc biệt là tăng về đêm, gây cho người bệnh mất ngủ, cào gãi nhiều, để lại các vết trầy xướt và có thể dẫn đến bội nhiễm vi trùng.

Ban đỏ

Thường xuất hiện trên da và có thể kèm theo sốt hoặc không. Thường được phân thành 2 loại:   

- Ban đỏ thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, kèm sốt nhẹ 37 - 38oC, trẻ vẫn chơi. Đa số nguyên nhân thường do vi rút.  Nếu ban đỏ kèm sốt cao 39 - 40oC và có triệu chứng toàn thân nặng như mệt mỏi, rét run, môi khô, lưỡi bẩn chúng ta phải đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa Nhi hay chuyên khoa Da Liễu để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

- Ban đỏ ở người lớn, vị trí hay bắt đầu ở vùng thân, kèm ngứa, sốt nhẹ hoặc không sốt. Cần chú ý một trong những nguyên nhân thường gặp ở nhóm tuổi này là do phản ứng thuốc điều trị các bệnh toàn thân khác. Bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa Da để được phát hiện nguyên nhân kịp thời.

Bệnh lupus ban đỏ.

 Bệnh lupus ban đỏ này có liên quan đến giới, tiếp xúc ánh nắng và tiền sử gia đình và vị trí khu trú.

Trong đó bệnh lupus đỏ hệ thống có biểu hiện lâm sàng đa dạng, liên quan đến nhiều chuyên khoa lâm sàng khác nhau, đôi khi làm dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Điểm đáng lưu ý là bệnh thường gặp ở nữ giới, trẻ có các ban đỏ ở 2 má, thường có hình cánh bướm đặc trưng và triệu chứng sốt không tìm ra nguyên nhân.

Bệnh lupus đỏ mạn tính thì trái lại tổn thương da bao gồm các mảng đỏ hoặc hình dạng vòng tròn có vảy dính, phát ban giống như bị cháy nắng ở mũi, má, môi dưới, cổ, sau tai. Thường gặp ở phần da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng, ban gây ngứa nhiều hơn đau. Do vậy người ta thường thấy bệnh này nặng lên vào mùa hè. Chẩn đoán và điều trị bệnh này phải nhờ đến các bác sĩ chuyên khoa Da và bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng.

Chuẩn đoán và điều trị bệnh da liễu
Chẩn đoán và điều trị các bệnh da và một số rối loạn trên da luôn cần phải nhờ đến các bác sĩ chuyên khoa Da liễu, Thẩm mỹ Da và bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng.

Bệnh vảy nến

Đây là một bệnh da do rối loạn tự miễn dịch. Các triệu chứng thường bao gồm những tổn thương đỏ da-vảy, khu trú các vùng tì đè. Bệnh thường ít ngứa hoặc không ngứa, kích thước thay đổi. và mức độ nghiêm trọng.

Vảy nến khởi phát sớm thường bắt gặp ở độ tuổi từ 16 đến 22. Bệnh có thể kèm tổn thương móng khớp trong một số trường hợp. Vảy nến được xác định là có liên quan tới yếu tố di truyền.

Trong khi đó, vảy nến khởi phát muộn thường gặp ở độ tuổi trên 40. Thể này thường nhẹ hơn, ít liên quan đến yếu tố di truyền.

Bệnh vảy nến thường phát từng đợt, thuốc điều trị đơn giản nhưng phải có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa Da. Trường hợp bệnh nặng kháng lại điều trị, sử dụng các thuốc điều trị sinh học mang lại kết quả khả quan.

Một số yếu tố ngoại sinh khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến như: chấn thương, bỏng nắng, phẫu thuật, căng thẳng kéo dài, nhiễm trùng da, tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài đường toàn thân một số loại thuốc (corticosteroid, beta blockers, kháng sinh họ cycline...)

Ts bác sĩ Lê Thái Vân Thanh trưởng khoa da liễu bệnh viện đh Y Dược
Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, đã chính thức triển khai chích thuốc sinh học trị vảy nến. Trong ảnh: TS. BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da (BV ĐH Y Dược), trong một chương trình đào tạo y khoa liên tục về quản lý bệnh vảy nến

Bệnh mề đay

Đây là bệnh da dị ứng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tổn thương đặc trưng là sẩn phù, xuất hiện nhanh và biến mất nhanh trong vài giờ.Triệu chứng cơ năng hay gặp là ngứa dữ dội nhưng có những trường hợp không ngứa hoặc ít ngứa. Việc xác định nguyên nhân thường rất khó và điều trị chủ yếu dựa vào kháng histamine thế hệ 1 hoặc 2. Một số ít trường hợp không ngứa nhưng gầy phù nề các tổ chức da lỏng lẻo gây phù môi, mi mắt, thậm chí gây khó thở phải cấp cứu kịp thời gọi là chứng phù mạch (angioedema) hay còn gọi là phù Quincke.

 Những bệnh da liễu do nắng

Một số bệnh da thường gặp và tăng cao trong mùa nóng, do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng. Tổn thương là các mảng da đỏ hoặc phù nề, tróc vẩy trên bề mặt, hoặc có thể nổi mụn nước, bóng nước. Thường gặp nhất là ở những vùng da tiếp xúc với nắng như mặt, cổ, vùng duỗi cánh tay.

Kế đến là nhóm bệnh lý mà ánh sáng mặt trời gây nặng hơn như mụn trứng cá, chàm, viêm da - cơ, bệnh bóng nước do rối loạn chuyển hóa porphyrin… Nổi bật nhất trong nhóm bệnh này là Lupus đỏ. Các tổn thương da cũng như tiến trình bệnh sẽ nặng hơn tỉ lệ thuận với việc tiếp xúc ánh nắng.

Viêm da tiết bã với các mảng da đỏ, sần sùi, đóng vẩy vàng trên bề mặt, ở các vùng da bị nhờn nhiều như hai má, nếp mũi –-má, sau tai, da đầu. Các mảng da bệnh sẽ bị đỏ nhiều hơn, châm chích khi bệnh nhân đi ra nắng.

Nhóm bệnh lý thứ 3 liên quan đến tăng tiết mồ hôi do nắng nóng như mề đay do mồ hôi; bệnh nhiễm trùng như chốc ở em bé được biểu hiện là mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau hóa thành mủ, rồi bể và khô đi, đóng mày, hoặc hăm kẽ ở những người tăng cân, hay nấm da ở nách, bẹn, mông… Nắng nóng còn tạo điều kiện cho các loại vi nấm phát triển.

Các bệnh da liễu thường khó chữa dứt điểm

Các bệnh da mạn tính thường không thể chữa khỏi dứt điểm, nhưng tình trạng bệnh có thể được quản lý bằng thuốc và giảm tiến triển nặng bằng cách thay đổi thói quen sống cũng như chế độ dinh dưỡng.

Đặc biệt, dưới tác động của ô nhiễm không khí như hiện nay, kèm với những ảnh hưởng tiêu cực của ánh nắng mặt trời, những chất giúp cho da săn chắc và tươi trẻ như collagen, elastin, acid hyaluronic đều bị phá hủy dẫn đến hiện tượng da nhăn nheo, giảm tiết nhờn, làm da thiếu ẩm, hàng rào da bị tổn thương dễ dẫn đến các bệnh lý da liễu...

Khi lớp ẩm tự nhiên trên da bị yếu đi, da dễ bị tấn công tiếp bởi nắng và những tác hại khác của môi trường. Đồng thời, hệ thống bảo vệ da chống lại vi trùng và chất lạ xâm nhâp bị yếu đi, làm da dễ bị nhiễm trùng hoặc càng hư hại nặng hơn. Vì thế, việc tránh nắng, chống nắng và duy trì độ ẩm cho da là rất cần thiết nhằm giữ gìn một làn da khỏe, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh lý da liễu và trẻ lâu hơn.

Để phòng ngừa các bệnh trên da, nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát với các loại vải mỏng nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa...

Tránh nắng để tránh những bệnh da liễu
Việc tránh nắng, chống nắng và duy trì độ ẩm cho da là rất cần thiết nhằm giữ gìn một làn da khỏe, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh lý da liễu và trẻ lâu hơn (Nguồn: internet)

Chú ý khi chúng ta phải làm những công việc ngoài trời hoặc đang dùng thuốc gây tăng sắc tố da, phải bảo vệ da chống nắng thật hữu hiệu bằng quần áo dài tay tối màu, thoa kem chống nắng đúng cách và có thể uổng kèm viên uống chống nắng. Còn khi chúng ta thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt nên năng cải tạo môi trường, năng thay quần áo… để cho da được khô thoáng.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng với nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc và một thói quen dùng kem chống nắng có thể giúp bảo vệ sức khỏe và vẻ đẹp của làn da.

Nhìn chung, các dấu hiệu của bệnh da, chẳng hạn như vết sưng đỏ, phát ban hoặc một mảng khô, có thể gây khó chịu. Trong thực tế, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể hết sức lo lắng. Mặc dù một số dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh trên da hoàn toàn vô hại (nhưng vẫn gây khó chịu), nhưng những biểu hiện khác có thể cảnh báo về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Nếu chúng ta thực sự lo lắng về một vấn đề nào trên da có bất thường hay không, đừng ngần ngại đi đến bệnh viện, để được các bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da tư vấn những liệu trình điều trị đúng cách và thích hợp. Một số vấn đề trên da có thể là một dấu hiệu cảnh báo tưởng chừng như nhẹ nhưng có thể để lại những vết sẹo trên da vĩnh viễn nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời gây ảnh hưởng thẩm mỹ; thậm chí đó có thể là những bệnh nghiêm trọng trong lĩnh vực da liễu hay các bệnh lý toàn thân khác có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

TS. BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược

Page 30 of 63 1 29 30 31 63

Bài xem nhiều