Trong 7 bệnh chàm (Eczema) phổ biến, viêm da thần kinh được xếp thứ 5 về mọi tiêu chí. Đây là bệnh tiến triển mạn tính và có mức độ tái phát cao. Để nhận biết bệnh và điều trị hiệu quả, thông tin cập nhật dưới đây giúp chúng ta có thêm kiến thức cơ bản.
Đôi nét về viêm da thần kinh
Viêm da thần kinh (Neurodermatitis) hay còn gọi là lichen đơn dạng mạn tính là một tình trạng viêm da, thường biểu hiện bằng các mảng da khô, dày tróc vảy do thói quen cào gãi hoặc xoa liên tục trên vùng da khu trú bị ngứa. Kích thích ban đầu, dường như liên quan đến stress hoặc rối loạn xúc cảm, gây ra chu kỳ khép kín ngứa – gãi – ngứa.
Điều này kích thích tăng sản thượng bì phản ứng mà biểu hiện trên lâm sàng là các mảng lichen hóa. Viêm da thần kinh được xác định sau khi loại trừ các nguyên nhân phổ biến hơn gây viêm da như viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng…
Sang thương da có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc nhiều sang thương và có thể xuất hiện ở bất bì đâu, nhưng thường gặp nhất ở các vùng bệnh nhân có thể chạm đến được như đầu, cổ, cánh tay, da đầu và vùng sinh dục.
Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân là ngứa, và biểu hiện lâm sàng thường thấy là các mảng da dày, lichen hóa, màu sắc đa dạng trên vùng da thường xuyên bị cào gãi. Màu sắc sang thương thay đổi từ sắc vàng đến đỏ nâu, thường thấy nhất ở trung tâm sang thương và kích thước sang thương có thể thay đổi từ 3cm đến 10cm hoặc hơn.
Ngứa là dấu hiệu đầu tiên, do đó mới xuất hiện thuật ngữ “ngứa liken hoá” khu trú ở một vùng da có sẵn yếu tố chà xát, ẩm ướt. Ban đầu ngứa nhẹ sau tăng lên thành cơn sau thành đợt dữ dội nhất là về ban đêm.
Nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên các bệnh lý như viêm da cơ địa hoặc cơ địa dị ứng được cho là có khả năng hình thành lichen hóa. Người ta nhận thấy dường như còn có mối liên quan giữa mô thần kinh trung ương và ngoại biên với các hóa chất trung gian gây viêm trong khả năng gây ngứa và phát triển bệnh.
Ngoài ra căng thẳng, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần cũng có thể dẫn đến cào gãi. Nếu ở bìu, cần chú ý phát hiện giun kim, còn ở âm đạo cần phát hiện khí hư, candida, trichomonas…
Chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị
Bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da có thể chẩn đoán viêm da thần kinh bằng cách kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng và xác định xem bị ngứa và gãi hay không. Để loại trừ các nguyên nhân khác, họ có thể lấy một mẫu nhỏ của vùng da bị ảnh hưởng (sinh thiết da) để xét nghiệm. Mục đích của điều trị là phá vỡ chu kỳ gãi – ngứa – gãi và áp dụng theo các cách sau:
- Thuốc bôi chống ngứa: Nếu kem corticosteroid không kê đơn không giúp ích, bác sĩ có thể kê toa corticosteroid mạnh hơn hoặc sản phẩm chống ngứa không steroid. Thuốc mỡ ức chế calcineurin (tacrolimus) có thể hữu ích nếu liên quan đến âm hộ.
- Thuốc tiêm corticosteroid: Bác sĩ có thể tiêm corticosteroid trực tiếp vào vùng da bị ảnh hưởng để giúp vết thương mau lành.
- Thuốc giảm ngứa. Thuốc kháng histamine kê đơn giúp giảm ngứa ở nhiều người bị viêm da thần kinh. Một số loại thuốc này có thể gây buồn ngủ và giúp giảm gãi trong khi ngủ.
- Thuốc chống lo âu: Bởi lo lắng và căng thẳng có thể gây ra viêm da thần kinh, thuốc chống lo âu có thể giúp ngăn ngừa ngứa.
- Thuốc dán: Đối với những cơn ngứa cứng đầu, bác sĩ có thể đề nghị dùng miếng dán lidocain 5% hoặc capsaicin 8% tại chỗ.
- Liệu pháp ánh sáng: Đôi khi, vùng da bị ảnh hưởng tiếp xúc với các loại ánh sáng cụ thể sẽ hữu ích, giảm ngứa.
- Tâm lý trị liệu: Trò chuyện với chuyên gia tư vấn đẻ giúp cách kiểm soát cảm xúc và hành vi, nhằm hạn chế ngứa gãi.
- Các liệu pháp mới nổi: Theo các nghiên cứu nhỏ, một số người mà các triệu chứng của họ không cải thiện, thì các phương pháp điều trị mới sẽ hiệu quả như dùng thuốc tiêm OnabotulinumtoxinA (Botox). Kỹ thuật này có thể làm giảm ngứa và làm sạch các mảng da thô ráp. Dùng thuốc uống để giảm áp lực gãi có tên N-acetylcysteine .
Về phòng ngừa, nên áp dụng lối sống khoa học để giúp kiểm soát bệnh như ngừng chà xát và gãi. Đắp gạc ướt và mát, hay dùng băng gạc có thể giúp bảo vệ da và ngăn ngừa trầy xước, nhất là có thói quen gãi khi ngủ.
Nên cắt ngắn móng tay, tắm nước ấm trong thời gian ngắn và dưỡng ẩm da, sử dụng xà phòng nhẹ không có thuốc nhuộm hoặc nước hoa. Hạn chế thời gian và tần suất tắm. Sau khi rửa sạch, vỗ nhẹ cho da khô và thoa kem dưỡng ẩm không mùi.